Khu vườn cau có đến 1.000 gốc được trồng ngay hàng thẳng lối, đều tăm tắp trông rất đẹp mắt. Vườn cau không chỉ đẹp mà năm qua cho thu nhập 300 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay vườn cau này hứa hẹn thu về tiền tỷ.
Gặp ông Tần vào một ngày nắng đẹp, trung tuần tháng 7, ông Tần vừa dẫn chúng tôi tham khu vườn vừa kể chuyện làm nông nghiệp. Ông kể, đã gắn bó với cây thanh long từ năm 1997. Hồi đó, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chưa có điện để xông đèn xử lý cho trái ra nghịch vụ. Nhưng vì trái thanh long nghịch vụ rất hút hàng, bán giá cao nên ông nghiên cứu mua máy phát điện về xông thử nghiệm 3 bóng đèn cho khoảng 40 trụ. Kết quả lần đó, trái ra khá nên ông mạnh dạn xử lý cho cả vườn.
Kể từ đó, năm nào ông trồng thanh long cũng có lãi cao, được bà con xung quanh đến học hỏi, nhân rộng. Nói về kết quả này, ông Tần tâm đắc: "Làm cái gì cũng vậy phải nghiên cứu cho tới, chăm sóc tới mức thì sẽ đạt hiệu quả cao".
Người đầu tiên trồng cau chuyên canh
Những năm gần đây, diện tích thanh long phát triển mạnh, lợi nhuận không còn hấp dẫn. Vốn đam mê nông nghiệp, ông Tần đã tìm hiểu thị trường của cau ăn trái gần 20 năm nay nhưng chỉ bắt đầu chuyển sang trồng cau bán trái sáu năm trước.
Cơ duyên đến với ông khi một lần biết đến số điện thoại của một vựa mua cau ở Bến Tre. Lân la dò hỏi với chủ vựa ông được biết, cau ngoài sơ chế (luộc) để xuất khẩu thì còn được chế biến thành kẹo cau, bán cau tươi trong các dịp cưới, hỏi, cúng rằm.
Thấy thị trường tiêu thụ khá ổn định nên ông quyết định trồng cau. “Nhưng giống nào mới là tốt nhất?”, ông hỏi chủ vựa cau. Người ta mách ông giống cau vú bò Bà Điểm ở “Mười tám thôn vườn trầu” mới là giống cau chất lượng và năng suất cao nhất. Giống cau này ruột trắng, vỏ mềm, mỏng. Mùi thơm ngọt, không quá chát, ăn nhiều không say. Thế là ông hăng hái lên đường săn tìm cau giống đó.
Tuy nhiên, do đô thị hoá, giống cau này dần mai một, người trồng không còn nhiều. May thay ông được người ta chỉ, tìm mua được mấy trăm trái về ương trồng được 300 cây. Ông nói phải đi gom trái về nhân giống suốt ba năm, đến nay vườn cau có khoảng 1.000 cây.
Hiện, trong vườn cau vú bò Bà Điểm của ông Tần có 2 loại trái khác nhau là trái tròn và dài. Hai loại cây cho trái năng suất như nhau 40-50kg/cây/năm. Năng suất cao gấp 2-3 lần so với cau truyền thống, chỉ 15kg/cây/năm. Tuy nhiên, cau trái dài cho 20-25 trái/kg, trong khi cau trái tròn chỉ 15-20 trái/kg.
Vườn cau hứa hẹn thu về tiền tỷ
Theo ông Tần, trồng cau không khó. Cây cau sống khỏe, chăm sóc rất ít phân thuốc. Kỹ thuật trồng cau là cây cách cây 1,3-1,5m, hàng cách hàng 4-5m để tiếp nhận ánh nắng. Hiện ông đã lắp hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nên việc chăm sóc cau rất nhàn. Ngoài ra, để đất tơi xốp, mùn nhiều, ông còn trồng cây họ đậu phủ khắp vườn.
Ông Tần chủ yếu dùng phân chuồng, phân hữu cơ bón vườn cau, hạn chế bón phân hóa học vì cây sẽ rụng bông. Tính tất cả chi phí, công cán chỉ chiếm 10% doanh thu. "Trồng khoảng 4 năm cau cho trái, nhưng cây phải 6 năm mới đạt năng suất cao", ông Tần nói.
Hiện nay, cau đang xuất khẩu với giá khoảng 23.000 đồng/kg. Nếu không để cau già làm giống, mỗi tháng thương lái đến cắt khoảng 2 tấn, thu về gần 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm nay nhiều người đặt hàng mua cây giống nên ông để cau già làm giống. Giá cau giống loại trái dài 20.000 đồng/cây, cau trái tròn 25.000 đồng/cây.
Ông Tần kể, năm ngoái thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ vườn cau. Năm nay, dự kiến sẽ tăng cao vì thu hoạch trái nhiều hơn năm ngoái. “Năm nay, nếu thu nhập 1 tỷ không nổi thì 800-900 triệu khỏe re. Năm tới nếu giá cau như năm nay thì thu nhập sẽ cầm chắc hơn tỷ đồng”, ông Tần tính.
Ông Lê Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đánh giá mô hình trồng cau của ông Tần rất hiệu quả. Mô hình của ông Tần rất hay, đáng học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên mô hình này còn mới nên chưa khuyến khích bà con mở rộng đầu tư.
Ở địa phương ông Tần là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Với những thành tích đó, ông nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng 3.