| Hotline: 0983.970.780

Một số lực lượng thực thi công vụ quá khắt khe, mỗi địa phương một kiểu

Thứ Bảy 17/07/2021 , 08:58 (GMT+7)

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, một số lực lượng thực thi công vụ quá khắt khe, mỗi địa phương một kiểu, làm khó khăn lưu thông hàng hóa,nông sản...

Lực lượng chức năng kiểm tra xe ra vào TP.HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Trần Trung.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe ra vào TP.HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Trần Trung.

"Từ khâu tổ chức thu hoạch, vận chuyển đều có vướng mắc"

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, thời gian qua, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương, vùng nguyên liệu về TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh thành về TP.HCM gặp khó khăn là do, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh miền Tây thời gian vừa qua hết sức phức tạp, một số địa phương đã đồng loạt phải áp dụng Chỉ thị 16

Trước tình hình đó, Sở Công thương TP.HCM đã phải có những giải pháp không chỉ giải quyết khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, mà kể cả các khó khăn trong quá trình thu mua và vận chuyển, phân phối nông sản, hàng hóa.

"Từ khâu tổ chức thu hoạch, vận chuyển nội tỉnh cho đến liên tỉnh đều có những vướng mắc", ông Phương thông tin.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, các bộ ngành đã làm việc và thống nhất một số chủ trương, tuy nhiên khó khăn không phải do chủ trương không có, mà do việc thực thi.

"Một số lực lượng thực thi công vụ hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng, dẫn tới những yêu cầu quá khắt khe, không phù hợp, không đảm bảo đúng thẩm quyền. Do đó, Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất với Trung ương để có chỉ đạo thống nhất với các địa phương cùng áp dụng chung, tránh trường hợp mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, dẫn đến áp dụng cá biệt", ông Phương lý giải.

Ông Phương cũng cho rằng, để việc vận chuyển lưu thông hàng hóa được thông suốt, cần tập trung giải quyết bốn vấn đề:

Thứ nhất, trong hoạt động sản xuất, đặc biệt phải ưu tiên cho hoạt động thu mua, thu hoạch, sơ chế, chế biến. "Một số địa phương thời gian qua, đơn vị thực thi công vụ đã xử phạt hoặc không cho phép người dân thực hiện việc thu hoạch khi tập trung đông người", ông Phương nêu.

Thứ hai, đối với việc vận chuyển hàng hóa trong nội tỉnh, thành phố, cũng cần phải có sự thống nhất, đặc biệt tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa. Tránh tình trạng mỗi phường, mỗi xã làm một kiểu, gây ra tình trạng ách tắc hàng hóa.

Thứ ba, về giao thông liên tỉnh, các bộ ngành cũng đã có chủ trương, vì vậy đề nghị các địa phương phải thống nhất và áp dụng, tránh trường hợp mỗi nơi làm một kiểu.

Thứ tư, đề xuất ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 cho những người trực tiếp tham gia trong quá trình sản xuất tạo ra nguồn hàng hóa, chế biến, lưu thông ở các địa phương.

"Về phía TP.HCM, trong đợt tiêm vacxin vừa qua đã tập trung ưu tiên tiêm cho các đối tượng này. Còn đối với các địa phương cũng cần tính toán ưu tiên tiêm cho những đối tượng này để đảm bảo cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa trong dài hạn", ông Phương nói.

Có thời điểm như chiều ngày 14/7, kệ rau củ quả tại cửa hàng Satra Food trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức chỉ còn những khay trống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Có thời điểm như chiều ngày 14/7, kệ rau củ quả tại cửa hàng Satra Food trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức chỉ còn những khay trống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thiếu rau củ quả, trứng gia cầm

Thông tin về việc nguồn hàng thu mua gặp khó khăn trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương TP.HCM đã liên hệ với Sở Công thương các tỉnh ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số địa phương khu vực phía Bắc để rà soát, giới thiệu các đơn vị có năng lực cung ứng hàng hóa tốt để kết nối với doanh nghiệp TP.HCM, tăng nguồn hàng cho TP.HCM.

Riêng với TP.HCM, ông Phương cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp TP.HCM đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm cho người dân, Sở Công thương TP.HCM sẽ sớm có kiến nghị liên quan đến chính sách tài chính, vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bình ổn thị trường. Đây là những doanh nghiệp chủ lực tham gia quá trình sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa cho người dân, cần có nguồn vốn kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, hiện nay mặt hàng thiếu nhiều nhất tại TP.HCM trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 là rau củ quả, trứng gia cầm.

"Tôi không hiểu tâm lý chung của người nội trợ thế nào mà rất thích dự trữ trứng. Vì thế, khi các địa phương ở miền Tây áp dụng Chỉ thị 16 thì gần như nguồn hàng trứng tại địa phương đã sử dụng hết. Khiến các doanh nghiệp của TP.HCM rất khó khăn trong việc thu mua trứng gia cầm", ông Phương cho hay

Theo ông Phương, dù các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đảm bảo bao tiêu, tuy nhiên các nhà cung cấp trong tình hình này không đảm bảo được, vì giá thị trường khá cao, rất cao ngay tại vùng nguyên liệu. Nếu thực hiện theo hợp đồng cho các doanh nghiệp TP.HCM thì giá vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán ngoài thị trường tại vùng nguyên liệu.

Hiện tại TP.HCM đã xuất hiện tình trạng có hai giá trứng. Đó là giá ở trong siêu thị và giá ở ngoài thị trường. "Các doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn đang nỗ lực tìm giá phù hợp. Đã có tình trạng thu gom trứng trong siêu thị đem ra ngoài bán. Chính vì thế, các hệ thống siêu thị đã có chính sách chỉ bán tối đa 2 vỉ trứng cho người tiêu dùng, không bán nhiều để tránh đầu cơ.

Tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức, mỗi khách hàng được yêu cầu chỉ mua 1 vỉ trứng gia cầm (10 quả) mỗi loại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức, mỗi khách hàng được yêu cầu chỉ mua 1 vỉ trứng gia cầm (10 quả) mỗi loại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Số chợ truyền thống đóng cửa tại TP.HCM tiếp tục tăng

Liên quan đến chợ truyền thống, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong những ngày qua, số các chợ truyền thống đóng cửa trên địa bàn TP.HCM tiếp tục tăng lên. 

"5 ngày trước, TP.HCM còn 68 chợ truyền thống hoạt động, sau đó giảm xuống 59 chợ, đến tối qua chỉ còn 48 chợ và hôm nay còn 46 chợ. Việc đóng cửa các chợ truyền thống đã tạo khó khăn không nhỏ vì đây là nguồn cung 60-70% hàng hóa cho người dân", ông Phương cho biết.

Với năng lực cung ứng hàng hóa của chợ truyền thống, riêng cho mặt hàng lương thực thực phẩm có thể chiếm 60-70% thị phần. Với số lượng chợ truyền thống còn hoạt động đến nay, thì năng lực cung ứng đã giảm xuống rất lớn, áp lực đè nặng lên hệ thống phân phối hiện đại.

Giải pháp căn cơ nhất hiện nay, theo ông Phương là mở lại các chợ truyền thống, tuy nhiên không mở toàn bộ chợ, mà chỉ mở những mặt hàng thực sự thiết yếu.

Trong đó, thí điểm trước với mặt hàng rau củ quả, chọn một số tiểu thương có năng lực cung ứng tốt để mở bán lại. Địa phương phối hợp với ban quản lý chợ trong công tác điều hành, quản lý để người dân đăng ký, phát phiếu mua theo giờ, hàng hóa được đóng gói với quy cách đồng giá để người dân đến lấy hàng với đúng số tiền quy định, không có giao dịch, lựa chọn hàng hóa để giảm nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa cho địa phương

"Sở Công thương TP.HCM đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM và nhận được đồng thuận để nghiên cứu, rà soát mở lại các chợ truyền thống theo hướng dẫn cụ thể", ông Phương nói.

Trước thông tin mỗi ngày TP.HCM thiếu 1.000 tấn lương thực thực phẩm cung ứng cho người dân TP.HCM, ông Phương cho rằng, không phải do thiếu nguồn cung, mà là thiếu hệ thống phân phối. Bởi hiện nay, ba chợ đầu mối đang tạm ngưng hoạt động, đa số thương lái ngừng hoạt động, chỉ còn ít thương lái kinh doanh giao dịch thông qua điện thoại, trực tuyến.

"Trong trường hợp các chợ hoạt động trở lại, liên quan đến các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu theo phương án của Sở Công thương TP.HCM đề xuất, tôi tin rằng các thương lái sẽ quay lại để giao dịch, đưa hàng hóa về.

Với năng lực giao dịch, mối lái họ có sẵn, cùng với kinh nghiệm khai thác thị trường thì Sở Công thương tin rằng, nguồn hàng không thiếu, chỉ thiếu kênh phân phối hiện nay để đưa hàng hóa về cho người dân", ông Phương phân tích.

Chợ truyền thống Tam Hà, đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức tạm ngưng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chợ truyền thống Tam Hà, đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức tạm ngưng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mở thêm các điểm bán lương thực thực phẩm

Liên quan đến việc người dân phải xếp hàng hàng giờ để vào siêu thị mua sắm, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các hệ thống siêu thị hiện đại đã phải nâng công suất tối đa.

Do đó, giải pháp tức thời được Sở Công thương đang triển khai là kêu gọi, huy động toàn bộ các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp có năng lực, khả năng, có kinh nghiệm liên quan đến kinh doanh hàng hóa (nhưng không có kinh nghiệm cung ứng lương thực thực phẩm) để phối hợp hỗ trợ cùng TP.HCM mở thêm các điểm bán để giúp cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân kịp thời.

Hiện Viettel post, VN post đề xuất sử dụng toàn bộ khu vực của đơn vị trên địa bàn TP.HCM làm điểm phân phối hàng hóa cho người dân.

Do đó, Sở Công thương TP.HCM đã phải nỗ lực bằng cách tự xoay sở, tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức phân phối, không khai thác nguồn lực của các hệ thống phân phối hiện đại.

Đến nay, Viettel post đã đăng ký triển khai được 34 điểm, VN post 22 điểm; ngoài ra các doanh nghiệp logistic đã đăng ký triển khai 754 điểm bán.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã triển khai các điểm bán hàng lưu động, chủ yếu ưu tiên phục vụ các khu vực phong tỏa, cách ly. Trong những ngày qua, cũng đã tổ chức được 106 bán hàng lưu động, với 141 chuyến bán hàng.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.