Hạn chế ách tắc nông sản vào Thành phố
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị Công ty CP Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, nhằm góp phần tạo điều kiện cho các thương nhân cũng như giải bài toán thiếu hụt nguồn nông sản trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, Công ty đã thành lập điểm tập kết, trung chuyển nông sản với diện tích hơn 8.000m2 tại bãi giữ xe của chợ đầu mối nông sản Thủ Đức theo chỉ đạo từ UBND Thành phố Thủ Đức về công tác điều tiết nguồn cung nông sản.
Theo ông Phương, điểm tập kết, trung chuyển này sẽ phần nào giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn nông sản sau khi cả ba chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM đều tạm đóng cửa.
Điểm tập kết này bắt đầu hoạt động từ đêm 11/7 và kéo dài cho tới khi có thông báo mới. Thời gian hoạt động của điểm tập kết bắt đầu từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Dự kiến tại điểm tập kết này, mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000 – 1.500 tấn hàng hóa rau củ quả, trái cây được giao cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, các điểm bán tại TP.HCM.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 12/7 mới chỉ có một xe chở khoảng 1 tấn hàng vào điểm tập kết. “Theo quy định phòng dịch Covid-19, trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, xe tải chở hàng từ các tỉnh về TP.HCM và xe tải nhỏ vào nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, phải có đầy đủ hóa đơn hàng hóa vận chuyển đi từ đâu, phân phối cho đơn vị nào mới được ra/vào.
Bên cạnh đó, tài xế bên giao và bên nhận hàng, nhân viên bốc xếp làm việc tại đây đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế, phải tiến hành khai báo y tế khi vào điểm tập kết, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16. Chính vì vậy, việc tìm kiếm nhân lực bốc xếp hàng hóa cũng khiến các thương nhân chưa sắp xếp được”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, việc vận hành điểm tập kết trung chuyển nông sản cũng gặp nhiều khó khăn khi TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16. Chỉ có những xe tải chở nông sản hàng hóa đã đăng ký hàng từ trước ở chợ đầu mối Thủ Đức mới được vào bên trong. Trong khi đó, hàng về điểm tập kết trung chuyển sẽ được bốc xếp lên các xe tải nhỏ hơn vận chuyển đi ngay, không được ở lại trong khu vực bãi.
“Tuyệt đối không có giao dịch, bán lẻ, xe máy cũng không được vào điểm tập kết trung chuyển”, ông Phương cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho biết, theo phản ánh của báo chí, sau khi 3 chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa để phòng dịch Covid-19, thì thương lái không thu mua nông sản tại các tỉnh miền Tây, Đà Lạt, khiến cho khu vực này sản xuất ra nhưng không có nơi tiêu thụ.
Trước thực trạng đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Công thương TP.HCM kết nối làm sao để hàng hóa không bị ách tắc, đảm bảo cung ứng nông sản, hàng hóa đủ cho người dân TP.HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Do đó, chợ đầu mối Hóc Môn đã trình phương án tái mở cửa một phần lên UBND TP.HCM và Sở Công thương để trung chuyển rau củ quả, trái cây.
“Dự kiến bãi tập kết trung chuyển hàng hóa, chủ yếu là nông sản được tập kết trên diện tích hơn 2.000m2, có sức chứa khoảng 10 xe container hàng.
Nếu phương án này được chấp thuận, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 100 tấn nông sản được tập kết tại đây nhằm góp phần giải quyết nhu cầu hàng hóa của TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, ở phương án này, các xe đổ cách nhau 3-4m, giao nhận hàng nhanh chóng, an toàn, các xe chuyển hàng phải rời chợ theo luồng đã phân định. Tài xế và xe đều phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đối với tài xế, thương nhân, nhân viên bốc xếp…
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Dũng cho biết, từ khi ngưng hoạt động đến nay, chợ tiến hành phun khử khuẩn 4 lần để chuẩn bị sẵn khi chợ được hoạt động chợ lại.
Cửa hàng tiện lợi tăng nguồn thực phẩm tươi sống
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM ngày 12/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến nay, TP.HCM có 166 chợ truyền thống (trên tổng 273 chợ), 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca F0.
“3 chợ đầu mối và 4 siêu thị đang tạm ngưng hoạt động do xuất hiện ca nhiễm Covid 19, còn lại các chợ truyền thống, đa số là do địa phương đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn chưa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nên quyết định tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19”, ông Phương cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, do tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương xung quanh và vùng nguyên liệu diễn biến phức tạp nên thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch, do đó ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa về TP.HCM.
Tuy nhiên, Sở Công thương TP.HCM đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa và triển khai để đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân. Các siêu thị có kho dự trữ và nguồn hàng dự phòng, đảm bảo liên tục cung ứng lên quầy kệ, nên không thiếu hàng. Chỉ một số chợ nhỏ, cửa hàng thực phẩm nhỏ len lỏi trong các dân cư, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi thiếu hàng, chủ yếu lương thực thực phẩm tươi sống và giá cả có phần tăng.
“Các cửa hàng tiện lợi, đa số bán hàng tiêu dùng hằng ngày, ít bán thực phẩm tượi sống. Do đó, trong tình hình khó khăn, chúng tôi đã yêu cầu các cửa hàng này tăng cường cung ứng thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, các cửa hàng này có diện tích nhỏ, không đủ quầy kệ nên khi người tiêu dùng tập trung mua sắm đông, cửa hàng không kịp cung ứng dẫn đến có giai đoạn thiếu hàng. Trên tổng thể, Thành phố đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân", ông Phương khẳng định.
Trước thông tin một số mặt hàng tăng giá, ví dụ như bắp cải giá 120.000 đồng, ông Phương cho biết, qua kiểm tra thì phát hiện đây là các mặt hàng nhập khẩu dạng organic, phục vụ cho nhóm tiêu dùng cao cấp nên có giá cao hơn. Tuy nhiên, khi hình ảnh được đăng trên mạng thì không rõ thông tin xuất xứ hàng hóa dẫn đến sự nhầm lẫn rằng giá cả trong siêu thị tăng 2-3 lần.
Đại diện Sở Công thương khẳng định, qua theo dõi thì hệ thống phân phối hàng trong siêu thị không tăng giá. Sở Công thương TP.HCM vẫn đang kiểm tra, giám sát, chia nhóm để theo dõi hoạt động cung ứng hàng hóa, túc trực 100%. Trong trường hợp phát hiện trường hợp gom hàng mua dự trữ nhiều thì đã nhắc nhở.