| Hotline: 0983.970.780

Một thần tượng của nông dân

Thứ Bảy 09/02/2013 , 14:03 (GMT+7)

Ông “giám đốc Đầu Trâu” không hiểu tự bao giờ đã trở thành thần tượng của hàng vạn nông dân ĐBSCL...

1. Hẹn hò mãi mới sắp được lịch để cùng nhau trên một chuyến xe. 12 giờ trưa, chủ nhật, ngày 9/12, chiếc xe Land Cruise có gắn logo VTV Bình Điền - Long An đậu xịch trước cửa, 2 giây đủ cho tôi quẳng vội chiếc túi vào ghế sau, xe vòng ra đại lộ Võ Văn Kiệt nhằm Cần Thơ thẳng tiến. Trước lúc lên xe tôi đã kịp lùa vội chén cơm với canh. Vợ tôi nheo mắt: Gớm, đi với ông chủ tịch kiêm tổng giám đốc Đầu Trâu sao không dành bụng ăn phở.

Năm 1997, tôi cùng Phong và một số anh em Bình Điền đi xe lửa ra Quy Nhơn tổ chức hội thi Nhà nông đua tài khu vực miền Trung. 8 giờ tối lên tàu tại ga Sài Gòn, chụm nhau làm mấy ván tiến lên rồi lăn ra ngủ. Xình xịch, bụng đói cồn cào, may sao toa phục vụ vẫn còn mỳ gói. Bài học 15 năm trước không thừa, mãi đến khi xe đã bon bon trên cao tốc Trung Lương, Phong mới hỏi: Quang Ngọc ăn cơm rồi chứ?!

Khác với một Lê Quốc Phong hào hoa, mâm cao cỗ đầy trong các tiệc khoản đãi khách hàng, tôi đã dăm ba lượt đi công tác với Phong, tới bữa ở Long An thì có cơm nhà lá, ở Cần Thơ thì có quán cơm không tên cạnh công viên Lưu Hữu Phước… Phong bảo: Đi nhà hàng cái chính là để mua không khí, mua cái sướng được phục vụ, còn khi không có thời gian, không có nhu cầu thì vô làm gì. Chưa thấy Phong có thời gian trong các chuyến đi như thế.

Buổi tối tham gia truyền hình trực tiếp “Cùng Đầu Trâu làm giàu” trên VTV Cần Thơ, sáng hôm sau từ Cần Thơ đi Sóc Trăng. Ngày trước, người đi công tác Sóc Trăng về thế nào cũng ghé lại Tân Hiệp mua vài cặp gà nước, le le, rùa vàng, rắn hổ về làm quà cho bạn nhậu ở thành phố. Dăm ba năm lại đây, những đặc sản ấy không còn, quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp đã nối thị xã Ngã Bảy (Tân Hiệp cũ) với Cà Mau. Nhờ huyết quản mới này mà vùng giáp nước đầm lầy lưu cữu ngàn đời nay được khai thông, hai bên đường đã san sát lúa và mía. Năm 1996, khi chưa có lộ, Phong đã “liều một phen” đi xuồng vào đây theo thư mời “mong ước được hội kiến với ông giám đốc” của ông Bảy, một lão nông trong vùng.


Lê Quốc Phong (bìa trái) cùng các diễn giả và MC Hồng Thắm trong chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV Cần Thơ

Bữa tiệc rượu mừng “duyên kỳ ngộ” với ông Bảy và con cháu ổng kéo dài từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Năm nay trở lại, người xưa không còn, con cháu ông Bảy nối nghiệp trở thành thành viên HTX giống Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm (huyện mới thành lập năm 2003 từ huyện Thạnh Trị). HTX có 250 ha chuyên trồng lúa giống ST 20. Ông Quách Văn Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết, việc sử dụng phân chuyên dùng Đầu Trâu là quy trình bắt buộc, vì sử dụng phân Đầu Trâu lúa sẽ có mùi thơm đậm hơn, bền hơn và có như vậy thì bên bao tiêu mới trả đến 7.000 đ/kg, trong lúc lúa thường chỉ 5.000 đ/kg.

Bữa cơm trưa được dân ấp Trương Hiệp, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chiêu đãi ngược. Chủ nhà là một nông dân có thâm niên 15 năm liền xài phân Đầu Trâu cho 4 ha lúa, năm nào cũng đều đặn 80 bao. Sau khi kéo hết vợ con, anh em ra giới thiệu cùng “thần tượng”, ông chủ người Việt gốc Hoa kéo Phong vào nhà khoe cái kho… vỏ bao, từ các bao phân chuyên dùng cho lúa 997, 998, 999 được ra lò những năm cuối thế kỷ trước đến bao phân Chuyên dùng cho lúa 1, lúa 2 + TE đến loại phân chuyên dùng Agrotain + TE mới được SX 3 năm trở lại đây, bao nào cũng được giặt sạch, gấp ngay ngắn.

Sau khi khoe nốt đám ruộng lúa chuẩn bị trổ “xài phân Đầu Trâu lúa tốt, cứng cây không cần dùng thuốc”, cơm rượu được chủ nhà dọn ra trên chiếc bạt phơi lúa dưới gốc cây bông giấy. Phong lấy cành trúc xuyên dọc mấy con cá lóc, cắm xuống đất rồi tủ rơm đốt, mùi cá lóc nướng trui quyện với hương lúa từ cánh đồng lúa thơm bắt đầu trổ loi xoi. Bẹ năn trắng xanh như bẹ hành. Rượu trong vắt cất từ “lúa xài phân Đầu Trâu” đựng đầy can nhựa. Mấy người đến sau mang theo đờn cò và ghi ta. Rồi chủ nhiệm HTX, trưởng ấp, phó chủ tịch xã cũng có mặt. Hai chiếc bạt nữa được trải thêm để nới rộng vòng nhậu. Chủ nhà lắp vội dàn âm thanh ngày thường vẫn karaoke. Phong ôm đàn, cổ bè ra lên cống xuống sề. Từ vọng cổ đến tân cổ giao duyên rồi đến "Hương Bùn". Các ông, các anh Hai Lúa, mấy bà sồn sồn, mấy em hây hẩy chỏm cau vỗ tay rần rần, hun Phong chùn chụt.

2. Bài ca "Hương Bùn" do Phong sáng tác. Năm 1997, tôi là một trong những người đầu tiên được Phong khoe bài hát "Hương Bùn" bằng giọng hát của mình. Lúc đấy, "Hương Bùn" vào tai này rồi ra tai kia. Nhưng thật bất ngờ năm 2003 tôi được nghe ca sỹ Ngọc Sơn hát bài này trên sân khấu của Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ.

Ngoài tài năng, ca sỹ Ngọc Sơn còn nổi tiếng hơn với các scandal và vụ án “dạ tiệc bao cao su”. Những năm ấy nghe đâu ca sỹ Ngọc Sơn đang bị cấm hát nên càng thôi thúc cả vạn người đến tham quan hội chợ do Cty Phân bón Bình Điền tài trợ chính. Chương trình có truyền hình trực tiếp trên VTV3 nên 8 giờ mới bắt đầu nhưng chập tối các hàng ghế sân khấu ngoài trời đã kín chặt.

Khi VTV vừa cắt sóng, ông vua nhạc sến chiếm sân khấu trong bộ đồ da áo 3 lỗ bóng lộn, nhảy điêu luyện như Mai-cồ (Michael Jackson) và cất lên giọng hát lịm người: Ai chưa trải gian lao, hiểu sao đời no ấm, chưa chân bùn tay lấm, hiểu sao hương bùn… Cả vạn người lặng phắc rồi vỡ òa. Chỉ đến lúc đấy tôi mới khẳng định "Hương Bùn" là một tác phẩm âm nhạc thực thụ được kết tinh từ những rung động sâu thẳm nhất.

 

Không những với Ngọc Sơn, Vân Khánh, Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ 2009, Phong còn mời cả nhà nghệ sỹ “có cái nắng, có cái gió” - Y Moan về biểu diễn. Năm 2004, Cty phân bón Bình Điền kết nghĩa với buôn Eana, xã Eana, huyện Krong Ana, Đăk Lăk và Phong đã gặp nghệ sỹ nhân dân Y Moan, phục nhau vì tài, hạp nhau vì tính nên nhận làm anh em. Lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu miền Tây, giọng Y Moan vẫn vút cao như gió đại ngàn Tây Nguyên nhưng nếu tinh ý thì nhận ra ly cà phê Ban Mê đã nhạt bớt, công lực thâm hậu của chàng Damsan mười phần đã vơi đi 7, 8. Rất ít người biết Y Moan bị ung thư. Chưa đầy 10 tháng sau show diễn duy nhất ở đồng bằng, Y Moan mất. Không biết bây giờ linh hồn Y Moan đã biến thành giọt sương chưa? Theo tín ngưỡng đồng bào Ê đê, giọt sương mới tinh khôi chuẩn bị đầu thai không còn liên hệ gì với thế giới vật chất cũ. Nếu đúng vậy thì e khó thành bởi cho dù ở thế giới khác thì làm sao Y Moan lại quên được hình ảnh người em Y Phong tận tình, quên được những tràng pháo tay tán thưởng rền như sấm của người dân ĐBSCL dành cho anh.


Lê Quốc Phong thăm đồng với chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiến (Sóc Trăng)

3. Ông “giám đốc Đầu Trâu” không hiểu tự bao giờ đã trở thành thần tượng của hàng vạn nông dân ĐBSCL. Có lẽ ngành NN-PTNT phải tặng giải thưởng cho Phong vì anh là người hát hay nhiều bài hát về nông nghiệp, nông thôn nhất, từ "Hát về cây lúa hôm nay" (Hoàng Vân); "Tình cây và đất" (Tô Thanh Tùng) đến "Khúc hát sông quê" (Nguyễn Trọng Tạo)… Không du ca nhưng Phong hát bất cứ đâu, trên VTV, trong hội nghị khách hàng, ở hội thảo đầu bờ đến bữa nhậu “rau đắng sau hè”. Thực ra kỹ thuật thanh nhạc của Phong chưa thể sánh với ca sỹ chuyên nghiệp nhưng cái hơn là độ “bốc”, khi Phong cất tiếng hát, dù là bài gì thì các nốt nhạc, lời ca dường như đều cháy từ gan ruột của Phong.

 

Cũng với một tấm lòng nhiệt huyết và rất thật, Phong còn hát rất hay bài "Đời Doanh nhân" của Trần Tiến. Trong clip được tải lên Youtube, một chàng trai trẻ bận quần áo công nhân, mũ bảo hộ lao động Đầu Trâu cất tiếng kể bi thán - Một đời doanh nhân đắng cay và thăng trầm… Không biết trước lúc kết hôn, nữ nhà báo Thu Lê, bà xã Phong có đưa Phong đi xét nghiệm hàm lượng testosterone không nhưng với bộ ria mép kiểu ca sỹ Tom Selleck, với một body thể hình, với giọng hát còn thô mộc nhưng nồng nàn hoang dại của Phong dễ làm cho nhiều chị em phát điên.

Năm 2009, khi không thể chọn ai, chính Phong phải xuống kiêm làm giám đốc nhà máy của Bình Điền tại Long An. Tháng 9/2009, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài viết của tôi “Coi chừng tan tác hệ thống SX phân bón” có đoạn mở đầu “Thật buồn khi một DN đầu đàn như Đầu Trâu Bình Điền mà các nhân viên trụ cột cứ lần lượt ra đi, bắt đầu từ trưởng phòng kinh doanh, tiếp đến trưởng phòng tiếp thị rồi đến kế toán. Tất cả những cuộc chia tay đều bịn rịn vì họ đã có hơn chục năm gắn bó chung lưng đấu cật, cống hiến tài trí, sức lực hết mình để gầy dựng nên một thương hiệu hàng đầu. Thế nhưng tình thế buộc họ phải chia tay vì thu nhập giảm theo doanh số và DN của họ khó mà trụ vững được. Vết thương về lỗ lã năm ngoái quá nặng và hy vọng phục hồi vào năm 2009 này đang dần tan thành mây khói vì giá lúa, cà phê, giá phân ngoại nhập quá rẻ nên sản lượng phân bón bán ra cứ giảm”.

Báo ra, tôi nín thở chờ một cú điện thoại trách cứ từ Phong. Một ngày, rồi hai ngày, rồi cả tuần vẫn không thấy. Ba năm sau gặp Phong tại Campuchia, khi phân bón Đầu Trâu đã bán được ở thị trường này 70.000 tấn, nhắc lại chuyện, Phong cười: “Trí không định, lòng không bền sao làm doanh nhân”.

Nhiều người nói Phong phát triển được thị trường Campuchia nhờ cơ duyên gặp được Chuon, một nhà tài phiệt ở Campuchia làm tổng đại lý phân bón Đầu Trâu. Cơ duyên trên sẽ không đến nếu như Phong không có "Bà mẹ U Đôn", một truyện ngắn của Phong viết năm 1981 lúc Phong còn là chiến sỹ tình nguyện, sau đó được Nhà xuất bản Trẻ in lại trong tuyển tập những truyện ngắn hay nhất viết về biên giới Tây Nam. Những năm ấy, chương trình đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam khắc họa cho người nghe sự khốc liệt của chiến trường, hình ảnh cao đẹp anh bộ đội Việt Nam bất đắc dĩ phải làm lính viễn chinh qua nhân vật Đức ngày đêm khắc khoải đi tìm Pia-rết, con trai của một bà mẹ Campuchia bị Pôn Pốt nhồi sọ. Kết thúc câu chuyện, qua bao trận đánh, qua bao gian khổ, Đức vẫn chưa tìm được Pia-rết nhưng với một niềm tin mơ hồ nhưng mãnh liệt rằng Đức sẽ tìm được và trả lại cho bà mẹ Campuchia ở U Đôn đứa con trai yêu dấu của bà.

Ba mươi năm sau, khi phân bón Đầu Trâu đã thành thương hiệu ở đất nước chùa Tháp, Phong không những tìm ra một Pia-rết mà hàng vạn Pia-rết, các chàng trai trẻ ngày nào còn điên cuồng bắn lại chiến sỹ tình nguyện Việt Nam nay đã trở về với ruộng vườn, họ sử dụng phân Đầu Trâu thay cho phân Thái Lan một phần ở chất lượng và phần nữa, từ trong sâu thẳm, họ đã tin tính nhân văn cao cả của người Việt.

“Bao nhiêu năm để có một ngày, hạnh phúc nhìn cơ đồ hôm nay. Bao nhiêu năm cạn chén rượu đầy. Chợt thấy mình tóc bạc không hay” (1). Thời gian và cuộc sống đã cho Phong có điều kiện để chiêm nghiệm như “người lính già với cây đàn ghi ta cũ” (2). Những ồn ào, những vui buồn, mồ hôi và nước mắt sẽ thành gió thổi căng cánh buồm đưa con thuyền Phân bón Đầu Trâu ra biển lớn.        

Chú thích: (1): Lời bài hát "Đời Doanh nhân" của Trần Tiến; (2) Tên truyện ngắn của Lê Quốc Phong, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 12/2012.

Năm 1989, Lê Quốc Phong, Trưởng phòng Tổ chức Cty Phân bón Miền Nam xung phong nhận làm Giám đốc Xí nghiệp Phân bón Bình Điền 2 trước nguy cơ rã đám.

Năm 1990, Xí nghiệp Bình Điền 2 sản xuất NPK 14.8.6, loại phân bón cao cấp đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Năm 1994, Xí nghiệp Bình Điền 2 nghiên cứu sản xuất NPK 20.20.15, loại phân bón đặc hữu của Việt Nam có công thức vàng ở mọi thời đại.

Năm 1997, Bình Điền 2 là cơ sở đầu tiên của Việt Nam sản xuất phân chuyên dùng.

Năm 2006, Agrotain, phát minh mới của Mỹ duy nhất có ở phân bón Đầu Trâu. 

Không biết bằng cách nào mà Phong mời được Ngọc Sơn với cát sê nghe đâu chỉ 20 triệu đồng, vì Ngọc Sơn thường hay trái tính và không xuất hiện trong các hội chợ. Có thể khán giả ĐBSCL cật ruột với chàng ca sỹ tài danh lớn lên nhờ lúa gạo Bạc Liêu mà thêm yêu mến phân bón Đầu Trâu chăng? Dù bằng cách gì đi nữa thì đã có thêm hàng vạn người biết đến Hội chợ Nông nghiệp, biết đến phân bón Đầu Trâu. Hội chợ năm sau, Phong mời ca sỹ Vân Khánh cùng đồng hương Quảng Trị với Phong dù sức hấp dẫn không bằng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất