| Hotline: 0983.970.780

Một vụ đông xuân thời tiết 'loạn cào cào'

Thứ Năm 16/05/2019 , 08:46 (GMT+7)

Ít năm nào, SX lúa vụ đông xuân (ĐX) tại các tỉnh phía Bắc lại đối mặt với diễn biến khác thường như năm 2019 (Báo NNVN đã phản ánh trong bài "Vụ đông xuân 2018- 2019: Vượt qua thời tiết bất thường").

* Không chủ quan dịch bệnh cuối vụ

Điều này đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nhiều sâu loại bệnh nguy hiểm trên lúa, kể cả sâu bệnh cuối vụ.
 

Đông nóng, hè lạnh!

Từ cuối vụ mùa 2018, ngành nông nghiệp đã sớm có dự báo về một vụ ĐX ấm của năm 2019. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các tỉnh phía Bắc gieo cấy tập trung vào trà xuân muộn, xung quanh tiết lập xuân. Quy luật thời tiết trước đây, giai đoạn từ Noel đến Tết Nguyên đán, thường là thời tiết lạnh sâu nhất trong năm. Sau đó từ lập xuân trở đi thì nền nhiệt tăng dần, cho tới rét nàng bân nền nhiệt thường hạ thấp hơn một chút, nhưng tới tháng 5 hàng năm thì thời tiết phải nắng bật lên.

16-49-19_17-34-29_2
Cục BVTV cảnh báo nguy cơ dịch bệnh cuối vụ vẫn tiềm ẩn, không được chủ quan.

Tuy nhiên năm nay, thời tiết vụ ĐX ở phía Bắc, nhất là vùng ĐBSH đã “loạn cào cào”, phá vỡ mọi quy luật. Theo đó, xung quanh Tết Nguyên đán, thời tiết nóng lên khác thường, không khác gì Tết ở miền Nam. Nền nhiệt độ giai đoạn đầu vụ ĐX 2019 có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 – 1 độ C, khiến tốc độ phát triển lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng nhanh hơn mọi năm, trỗ đòng sớm hơn mọi năm từ 10-15 ngày.

 Tại các tỉnh ĐBSH, thời điểm đầu tháng 5, theo thường lệ thì trời đã phải bật nắng, trùng với lúc lúa ĐX trổ đòng rộ để phơi màu. Tuy nhiên đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, lúc trà lúa chính vụ ở các tỉnh ĐBSH trỗ đòng rộ, đột ngột xuất hiện liên tiếp 2 đợt gió mùa đông bắc tràn về một cách bất thường, nền nhiệt độ xuống thấp, chỉ xung quanh 23-24 độ C. Bên cạnh đó, ẩm độ rất cao, trời âm u kéo dài.

Một vụ ĐX theo quy luật ở các tỉnh phía Bắc, đó là lạnh đầu vụ, nóng cuối vụ, nhưng năm nay lại hoàn toàn đảo ngược sang nóng đầu vụ, lạnh cuối vụ. Việc thời tiết đột ngột trở lạnh kéo dài, với độ ẩm rất cao đúng thời điểm lúa ĐX trỗ đòng rộ, đã khiến nguy cơ nhiều loại sâu bệnh bùng phát vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá: Bệnh đạo ôn, đặc biệt là đạo ôn cổ bông luôn là vấn đề quen thuộc đối với lúa vụ ĐX, tuy nhiên năm nay, đặc biệt nguy hiểm là đúng ngay ở giai đoạn lúa trỗ đòng rộ, lại chính là giai đoạn thời tiết trở lạnh, âm u, độ ẩm rất cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi nhất để bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát. Đặc điểm thời tiết này rất tương tự như thiệt hại do đạo ôn cổ bông của Hà Tĩnh năm 2017.

Trước tình hình này, ngày 4/5/2019, Cục BVTV đã khẩn cấp có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông, đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác xuống các tỉnh kiểm tra, chỉ đạo phòng bệnh. Theo đó tại 10 tỉnh ĐBSH, đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng bệnh đạo ôn cổ bông, đặc biệt nhiều tỉnh lúa trọng điểm như Thái Bình, Nam Định... đã tiến hành phun phòng bệnh đồng loạt, thậm chí phun kép 2 lần.
 

Không chủ quan sâu bệnh cuối vụ

Theo ông Dương, đến thời điểm này, với sự chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn rất quyết liệt và khẩn trương, kiểm tra đánh giá của Cục BVTV tại các tỉnh phía Bắc cho thấy nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông đã được khống chế. Hiện, thời tiết ở phía Bắc cũng đã bật nắng. Đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ (trừ Thanh Hóa), do năm nay lúa ĐX sinh trưởng nhanh, nên đến thời điểm này đã cơ bản yên tâm, không chịu tác động do thời tiết diễn biến bất thường. Lúa bắt đầu thu hoạch.

Thời gian tới, nếu tiếp tục duy trì nắng, thì nguy cơ bệnh đạo ôn sẽ giảm. Tuy nhiên nếu thời tiết âm u quay trở lại, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông sẽ vẫn còn, đặc biệt là đối với các trà lúa ĐX muộn, đang trỗ đòng. Bởi hiện nay trà ĐX muộn tại một số tỉnh phía Bắc mới chỉ trỗ được khoảng 70%.

“Thời gian qua, một số nơi không tiến hành phun phòng triệt để, thì có tới 35-40% số bông bị nhiễm bệnh đạo ôn. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, phải liên tục bám sát dự báo thời tiết để chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Bởi bệnh này chỉ có phun phòng, chứ khi đã dính bệnh rồi thì xem như rất khó cứu chữa”, ông Dương cảnh báo.

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối vụ, nguy cơ bùng phát dịch chuột, rầy nâu và sâu cuốn lá vẫn còn rất cao. Nhất là từ đầu vụ ĐX đến nay, tình hình dịch chuột, rầy nâu và sâu cuốn lá có chiều hướng gia tăng so với các năm.

Những năm gần đây, xu hướng các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh ĐBSH chuyển dịch rất mạnh cơ cấu giống lúa sang các giống chất lượng cao, đây thường là các giống bị nhiễm nặng với một số bệnh nguy hiểm như đạo ôn, bạc lá.

Quan điểm của chúng tôi, dù các giống có chất lượng cao thế nào đi nữa, nhưng trong vụ ĐX phải hạn chế tối đa các giống nhiễm nặng với bệnh đạo ôn; trong vụ mùa thì hạn chế tối đa các giống nhiễm nặng với bệnh bạc lá. Hiện nhiều tỉnh cũng đã đưa các giống chất lượng nhưng nhiễm nặng với bệnh đạo ôn và bạc lá ra khỏi cơ cấu giống.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác nhằm giảm nguy cơ bùng phát bệnh như thâm canh cải tiến SRI, IPM... Hiện nhiều địa phương đã làm rất tốt và lan tỏa được quy trình canh tác cải tiến, nhất là Hà Nội, có những nơi hàng chục năm không phải phun thuốc BVTV cho lúa do làm tốt quy trình canh tác.

(Ông Nguyễn Qúy Dương)

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.