| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai hướng tới nông nghiệp xanh

Một xã phấn đấu có 2.000ha xoài đạt chuẩn hữu cơ

Thứ Sáu 25/10/2024 , 07:45 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Xoài Phủ Lý nổi bật với hương vị thơm ngon, màu sắc đẹp và chất lượng cao bởi ứng dụng các giải pháp sinh học vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phủ Lý là vùng đất thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, nổi bật với hồ Trị An - một trong những hồ nước lớn nhất miền Nam. Khu vực này không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ.

Ông Lê Đình Viên (áo xanh) giới thiệu quy trình ủ IMO dành cho cây xoài của Tổ hợp tác. Ảnh: Trần Phi.

Ông Lê Đình Viên (áo xanh) giới thiệu quy trình ủ IMO dành cho cây xoài của Tổ hợp tác. Ảnh: Trần Phi.

Là người dày dạn kinh nghiệm trong canh tác xoài, ông Lê Đình Viên - Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài Phủ Lý cho biết, Tổ hợp tác hiện có 55 thành viên với khoảng 132ha chuyên canh cây xoài. Trước đây, hầu hết các thành viên đều canh tác xoài theo phương thức truyền thống nhưng từ năm 2016, Tổ hợp tác đã chuyển sang quy trình VietGAP nhằm tiến gần hơn đến sản xuất hữu cơ.

Theo ông Viên, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, từ năm 2018, Tổ hợp tác được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn ứng dụng IMO (chế phẩm vi sinh vật bản địa) vào sản xuất để cải tạo đất và bảo vệ sức khỏe cây trồng. Qua thực hiện cho thấy, IMO giúp cải thiện độ tơi xốp của đất, thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và giảm sâu bệnh, đồng thời giảm chi phí sản xuất tới 60% so với phân bón hóa học.

Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn được tập huấn các phương pháp sử dụng gừng, riềng, sả và ớt để tạo ra chế phẩm BVTV sinh học phòng trừ sâu bệnh. Những biện pháp này giúp hạn chế tồn dư hóa chất trong môi trường và sản phẩm. Song song đó, Tổ hợp tác còn sử dụng vôi vào sản xuất, kết quả cho thấy vôi không chỉ giúp tiêu diệt nấm mà còn cải thiện độ pH của đất, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và giảm thiểu nấm bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý liều lượng và thời điểm sử dụng vôi một cách hợp lý để tránh làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật tự nhiên và cấu trúc đất.

Ông Viên tận dụng gừng, sả, tỏi, ớt trồng trong vườn để tạo ra chế phẩm BVTV sinh học phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Ảnh: Trần Phi.

Ông Viên tận dụng gừng, sả, tỏi, ớt trồng trong vườn để tạo ra chế phẩm BVTV sinh học phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Ảnh: Trần Phi.

Ông Lê Đình Viên cho biết thêm, thời gian trước do giá xoài thấp nên nông dân không chú ý đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Do vậy, trái xoài thường bị ruồi vàng gây hại làm giảm giá trị. Bao trái xoài là một trong những giải pháp hữu hiệu Tổ hợp tác đã và đang phổ biến để bảo vệ xoài khỏi ruồi vàng cũng như các sinh vật hại khác. Nhờ ứng dụng đồng bộ các giải pháp, việc sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học đã nâng cao năng suất xoài so với trước đây. 

Theo UBND xã Phủ Lý, địa phương xác định xoài và cây có múi là những cây trồng chủ lực, hiện toàn xã có hơn 6.000ha đất nông nghiệp, trong đó riêng xoài có trên 1.200ha.

'Mặc áo' cho xoài cũng là một trong những giải pháp nông dân xã Phủ Lý thực hiện nhằm nâng chất lượng quả xoài địa phương. Ảnh: NDCC.

"Mặc áo" cho xoài cũng là một trong những giải pháp nông dân xã Phủ Lý thực hiện nhằm nâng chất lượng quả xoài địa phương. Ảnh: NDCC.

Ông Trịnh Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết, xoài là cây khó trồng, dễ bị tác động bởi thời tiết, vì thế muốn năng suất cao, quả đẹp cần phải có kỹ thuật giỏi và quá trình chăm sóc tỉ mỉ. Để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng cho quả xoài địa phương, thời gian qua, Phủ Lý khuyến khích bà con thay dần giống xoài Ba Mùa Mưa hiệu quả thấp sang giống xoài chất lượng cao hơn như xoài giống Đài Loan, Úc, xoài cát Hòa Lộc... Đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất xoài sạch.

Phủ Lý dự kiến mở rộng mô hình sản xuất xoài sạch, từng bước theo chuẩn hữu cơ lên 2.000ha vào năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Phủ Lý dự kiến mở rộng mô hình sản xuất xoài sạch, từng bước theo chuẩn hữu cơ lên 2.000ha vào năm 2030. Ảnh: Trần Trung.

Đến nay, toàn xã có gần 130ha xoài được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, xã tổ chức nhiều hội thảo, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm và áp dụng chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm đặc trưng. Hiện tại, khoảng 50% sản phẩm xoài được tiêu thụ thông qua các kênh điện tử.

“Tổ hợp tác xoài Phủ Lý là một trong những tổ hợp tác quan trọng của địa phương. Chính quyền xã cùng hệ thống chính trị đã tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp bà con cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng sản phẩm. Địa phương cũng dự kiến mở rộng mô hình sản xuất xoài sạch, từng bước theo chuẩn hữu cơ lên 2.000ha vào năm 2030”, ông Trịnh Văn Duy chia sẻ.

Xem thêm
Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm Tết: [Bài 1] Hà Nội không thiếu gia cầm

Các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn đang khẩn trương áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung cho Tết.

Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Nhằm tạo nền tảng cho ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh và hoàn tất chương trình tiêm chủng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm.

Các bước sản xuất giống cây có múi sạch bệnh

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) nêu các bước để sở hữu giống cây sạch bệnh, chất lượng cao.

Bình luận mới nhất