| Hotline: 0983.970.780

Mùa dệt chiếu tết

Thứ Ba 31/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Những ngày này, làng chiếu Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) tất bật vào mùa dệt chiếu tết. 

15-06-33_dscn6196
Người dân thu hoạch lác để dệt chiếu.

Xóm làng rộn rã bởi âm thanh của những khung dệt bằng gỗ cho đến chiếc máy dệt chiếu tự động.

Ông Phan Văn Mẫm, Chủ tịch UBND xã Thành Thới B cho biết, xã có hơn 500 hộ trồng lác và dệt chiếu, với 50ha lác, trồng 3 vụ/năm, cho ra khoảng 300 tấn lác nguyên liệu.

“Nhờ các hộ dệt chiếu tạo ra nhiều sản phẩm bền đẹp mà tiếng lành đồn xa, làng dệt chiếu Thành Thới B ngày càng đông khách đến đặt mua. Từ đó, cuộc sống cải thiện, kể cả những hộ không có đất cũng sống bằng nghề chiếu lác. Mỗi năm, doanh thu làm chiếu, lác hơn 1 tỷ đồng”, ông Mẫm nói.

Nghề làm chiếu đã có hàng trăm năm. Năm 2008, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận danh hiệu Làng nghề tiêu biểu cho làng nghề dệt chiếu Thành Thới B. Đến đây, chúng tôi mới biết nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là truyền thống đang được bảo tồn, phát huy.

Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu. Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh ở ấp An Trạch Tây (xã Thành Thới B) chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã học nghề từ mẹ. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu mất vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ. Vì cần 2 người cùng làm, nên các gia đình thường đổi công cho nhau. Nếu hôm nay dệt chiếu cho gia đình này, thì ngày mai dệt chiếu lại cho nhà khác. Do tết sắp đến gần, nhu cầu tăng cao, nên những ngày này chúng tôi phải làm liên tục".

“Ở ấp An Trạch Tây có nhiều hộ gia đình có từ 1 đến 2 khung dệt, khoảng tháng này ai nấy đều bận rộn cho việc chuẩn bị nguyên liệu. Vì thời điểm này lác đang vào mùa, mọi người tranh thủ thu hoạch lác dự trữ cho việc dệt chiếu, trung bình mỗi hộ có thể dệt từ 100 - 150 đôi chiếu/tháng, hàng làm xong là có thương lái đến nhận ngay, từ đó thu nhập của người dệt chiếu cũng khá ổn định”.

Chiếu ở Thành Thới B được sản xuất rất đa dạng về kích cỡ và màu sắc, Để hoàn thành 3 đôi chiếu/ngày, phải thức dậy từ 4 giờ sáng. Để có một đôi chiếu bền, chắc và đẹp, người dệt phải biết lựa nguyên liệu và dệt thật dày. Nếu một đôi chiếu thông thường khoảng 100 ngàn đồng thì đôi chiếu đặt phải có giá từ 170.000 - 180.000 đồng.

Hiện tại, làng chiếu đã sử dụng máy dệt hiện đại.
Mùa xuân mới đang về, bằng sức sống và nội lực từ chính đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình, làng chiếu Thành Thới B đã trở thành nghề truyền thống có tiềm năng to lớn ở tỉnh Bến Tre. Với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, những người thợ lành nghề bên khung dệt đã làm ra những chiếc chiếu xinh xắn, đẹp mắt.

Gần đây, do phải cạnh tranh với chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc... nên nghề dệt chiếu có phần mai một. Nhưng người dân Thành Thới B với nghề cha truyền con nối, vẫn một lòng cần mẫn tiếp tục làm ra những sản phẩm mang nét đặc thù riêng, để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.

Ngoài dệt chiếu, nơi đây rất nhiều hộ dân trồng lác, vì lác là loài cây ưa nước, chịu hạn, mùa nước mặn hay lũ về người trồng lác không phải lo. Hiện nhu cầu cây lác khá lớn, sau khi lác được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua.

Gia đình anh Trương Văn Hùng, ở ấp An Trạch Tây gắn bó hơn 15 năm với nghề trồng lác kể, với 2,5 công đất cạnh nhà trồng lác bán được 30 triệu đồng/vụ, trừ chi phí phân bón, nhân công còn lời gần 22 triệu.

“Lác chỉ trồng một lần, sau khi thu hoạch bón phân là 4 tháng sau lại được thu. Lác đưa vào máy, chẻ ra làm nhiều cọng nhỏ, sau đó đem phơi khô, nêm thành từng bó lớn để dễ dàng cân bán. Trồng lác cực nhưng giá cao, bán lời nên thu nhập ổn định”, anh Hùng nói.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.