Hiện nay, giống hồng không hạt này đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn ở huyện Thanh Chương.
Quả to, thơm, ngọt, giòn
Ông Nguyễn Tiến Bảy ở xóm Trung Long, xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) là người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn nhà, vườn đồi, chuyển những cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây hồng và ông cũng là người trồng nhiều hồng không hạt nhất ở xã Thanh Lĩnh.
Gia đình ông Bảy có diện tích đất vườn đồi khá rộng nên ông trồng đến 130 cây hồng, cây nào cũng phát triển tốt, xanh, đẹp. Trong số 130 cây, có 100 cây hiện đã cho thu hoạch, còn lại năm sau mới ra quả bói. Vụ thu hoạch hồng năm nay sắp kết thúc, ông Bảy dự kiến sẽ thu về ít nhất 50 - 60 triệu đồng.
Ở xã Thanh Lĩnh, những năm gần đây cây hồng không hạt không ngừng được phát triển, mở rộng diện tích. Toàn xã hiện có 4ha hồng không hạt, trong đó có nhiều diện tích đã cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 1,3 - 1,7 tạ quả/cây, với giá bán từ 30 - 35 ngàn đồng/kg, mỗi gốc hồng cho thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng.
Ở xã Thanh Lĩnh, hầu như thôn nào cũng trồng hồng nhưng nhiều nhất tập trung ở thôn Đồng Thượng và thôn Trung Long. Ở 2 thôn này có nhiều hộ trồng từ 50 - 100 cây hồng trở lên, như hộ ông Đinh Văn Tuất, Nguyễn Ngọc Sợi, Nguyễn Duy Khanh, Nguyễn Tiến Bảy, Trần Văn Thiền, Nguyễn Văn Thắng…
Xã Thanh Tiên cũng là địa phương có diện tích trồng cây hồng không hạt nhiều của huyện Thanh Chương. Chị Nguyễn Thị Mỳ ở xóm Chùa (xã Thanh Tiên) trồng 20 gốc hồng không hạt, trong đó có 10 gốc có tuổi đời hơn 30 năm, 10 gốc còn lại mới trồng được hơn 4 năm, năm nay cả 20 cây hồng đều có quả và cho thu hoạch.
Chị Mỳ cho biết, giống hồng không hạt này là giống hồng bản địa, đã được trồng ở địa phương từ rất lâu. Quả hồng to, ăn rất ngọt và giòn, có mùi thơm và đặc biệt không có hạt nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cây hồng ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, có sức chống chịu cao. Năm nay từ đầu năm đến lúc hồng ra hoa, có quả nắng nóng và hạn hán gay gắt nhưng cây hồng nào cũng nhiều hoa, lắm quả. Trong số 20 cây hồng của gia đình chị Mỳ, có 10 cây mới ra quả vụ đầu nên ít quả hơn, còn lại 10 cây hơn 30 năm tuổi đều cho quả rất sai, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 150 - 200kg quả, giá bán tại nhà giao động từ 30 - 35 ngàn đồng/kg, thu về từ 5 - 7 triệu đồng/cây.
Ông Dương Đắc Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết, trong nhiều cây trồng ở xã Thanh Tiên hiện nay, cây hồng không hạt đã và đang được người dân ở đây ưa chuộng nhất, bởi đây là cây trồng lâu năm, dễ trồng, ít công đầu tư chăm sóc và hầu như chưa thấy bị loại sâu bệnh gì phá hoại, lại cho thu nhập cao so với các loại cây trồng khác.
Chính vì vậy, cây hồng không hạt được Đảng ủy, chính quyền và bà con nhân dân xã Thanh Tiên chọn làm cây trồng chính khi cải tạo vườn nhà, vườn đồi, xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn xã đã có trên 2ha cây hồng không hạt với hơn 100 hộ trồng. Những năm tới, chắc chắn cây hồng không hạt sẽ được mở rộng diện tích lên hàng chục ha.
10 ha thu 13 tỉ đồng
Ông Lê Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Giống hồng không hạt ở Thanh Chương là giống cây ăn quả đặc sản của huyện, đã được người dân trồng từ lâu. Hiện giống hồng này được trồng nhiều ở các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên, Thanh Liên…
Những năm gần đây, người dân quan tâm nhiều đến sản xuất kinh tế vườn nhà, vườn đồi. Từ đó, cây hồng không hạt được bà con nông dân chọn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn. Hiện toàn huyện Thanh Chương ước có hơn 10ha hồng không hạt. Hiện người dân ở các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên… đang vào mùa thu hoạch hồng. Quả hồng thu hoạch về ngâm chín đến đâu thương lái vào tận nhà mua hết đến đó với giá bình quân từ 30 - 35 ngàn đồng/kg (tùy loại). Chỉ với diện tích khoảng 10ha nhưng sơ bộ ước tính vụ hồng năm nay có thể cho nông dân ở huyện Thanh Chương nguồn thu không dưới 13 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Thanh Lĩnh là người nhiều năm trồng giống hồng không hạt và cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chiết ghép giống hồng này cho biết: Giống hồng không hạt đang trồng ở Thanh Chương là cây trồng lâu năm, cây càng lâu năm thì chất lượng quả ăn càng ngon, vị đậm, thơm… Vì vậy những cây hồng lâu năm cần được chăm sóc, bảo vệ tốt để làm giống cho nhiều thế hệ mai sau, giống như cây “nhãn tổ” ở tỉnh Hưng Yên.
Từ đó, anh Thắng đề nghị, ngoài việc tăng cường mở rộng diện tích trồng trên phạm vi toàn huyện như chủ trương của huyện đề ra, đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, đi cùng với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản hồng không hạt Thanh Chương để cây hồng không hạt thực sự là cây trồng đem lại hiệu quả lớn trong việc phát triển kinh tế vườn hiện nay của huyện Thanh Chương.
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đối với việc mở rộng diện tích cây hồng không hạt ở Thanh Chương nói riêng và cả nhiều địa phương khác trong tỉnh Nghệ An là chất lượng cây giống. Kinh nghiệm từ cây cam giống, giống chanh leo… ở Nghệ An vừa qua là bài học đã và đang phải trả giá quá đắt do việc quản lý chất lượng cây giống ngay từ các cơ sở sản xuất giống không tốt.
Các chủ cơ sở sản xuất cây giống chẳng theo quy định nào, chỉ biết làm ra nhiều sản phẩm để thu được nhiều tiền, hậu quả ai chịu thì mặc. Từ đó, trước hết ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã phải có trách nhiệm quản lý tốt thị trường giống cây ăn quả nói chung, cây hồng không hạt nói riêng. Biện pháp quản lý phải được bắt đầu từ các cơ sở sản xuất giống, nhân giống và cả thị trường kinh doanh giống tự do.
Ở Nghệ An hiện nay có những giống hồng thơm, ngon nổi tiếng như hồng cậy Nam Đàn, hồng trứng Kỳ Sơn… Các giống hồng này ăn thơm, ngon, ngọt, nhưng quả nhỏ và có hạt. Riêng giống hồng không hạt ở Thanh Chương quả bầu, to, ăn thơm, ngon, giòn, lại không có hạt nên rất được thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ. Trung bình mỗi kg hồng không hạt Thanh Chương có từ 5 - 7 quả, trong khi đó các loại hồng khác phải từ 9 - 10 quả/kg, thậm chí 10 - 12 quả/kg và thường có từ 3 - 4 hạt/quả.