Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây nguy cơ sạt lở, lũ quét ở nhiều địa phương đang có mưa lớn. Các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Thị trấn Mường Tè 134.6mm (Lai Châu), Phú Lộc 134.6mm (Phú Thọ), Thiện Kế 119.4mm (Tuyên Quang), Huổi Lèng 116mm (Điện Biên), Bon Phặng 103.4mm (Sơn La), Tu Lý 97mm (Hòa Bình)…
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy (Cấp 1).
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế; gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
- Tại tỉnh Hòa Bình, khu vực các huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình, Lương Sơn có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40 - 70mm, lượng mưa đo được tại xã Độc Lập (TP Hòa Bình) 41,8mm, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) 33mm, xã Tu Lý (Đà Bắc) 45,8mm, thị trấn Đà Bắc 44mm.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, đặc biệt là sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc, trên các ta luy dương đường giao thông, khu vực có địa chất yếu kém, ngập úng các vùng trũng thấp tại các huyện, thành phố. Nguy cơ sạt lở đất cao tại các xã thuộc huyện Lương Sơn, Đà Bắc Mai Châu, TP Hòa Bình…
- Tại Sơn La, mưa lớn kéo dài, đất tại một số khu vực thuộc tỉnh Sơn La đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Do mưa lớn kéo dài, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Mường La (gồm thị trấn huyện, các xã Pi Toong, Chiềng Công, Nặm Păm, Mường Chùm, Mường Bú), huyện Quỳnh Nhai (các xã Mường Giôn, Pha Khinh, Mường Sại, Mường Chiên), huyện Thuận Châu (các xã Bó Mười, Bon Phặng, Muổi Nọi, Chiềng Bôm, Chiềng Ngàm, Long Hẹ), Sốp Cộp (các xã Mường Lèo, Mường Lạn), Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn…
Sáng 4/8, Quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở khiến một ô tô bị đè trúng.
- Cảnh báo ngập lụt tại Hà Nội: Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực nội thành Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cảnh báo các đặc trưng ngập lụt tại khu vực nội thành Hà Nội, các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 10 - 30mm, có nơi trên 60mm.
Chiều ngày 4/8 vừa qua, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã xẩy ra hiện tượng sạt lở đất thuộc xã Minh Phú (gần hồ Ban Tiện).
- Cảnh bão lũ khẩn cấp trên các sông Đồng Nai – La Ngà: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước tại thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai đang giảm dần. Tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) mực nước xuống dần gần đến mức báo động (BĐ) 3 (113m), tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) mực nước xuống chậm, còn gần với mức BĐ3 (106,5m), cao hơn mức BĐ2 (105,5m).
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai; huyện Tánh Linh và Đức Linh thuộc Bình Thuận bị ngập lụt do lũ.
Cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai (cấp 3), trên sông La Ngà (cấp 2). Cảnh báo tác động của lũ mực nước lũ trên các sông suối dâng cao gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối.