Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, từ đêm 30/3, khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, có nơi mưa to và rất to. Mưa lớn kèm gió lốc đã gây nhiều thiệt hại cho người dân, nhất là cư dân vùng biển.
Tại xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), vào khoảng 8 giờ 30 ngày 31/3, trên địa bàn xuất hiện lốc xoáy gây gió lớn và sóng mạnh làm 32 thuyền đánh cá chuyên đánh bắt gần bờ và 2 ca nô chở khách du lịch cùng 16 thuyền thúng của ngư dân bị chìm hoặc dạt vào bờ, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 3,1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Sính (62 tuổi) ở thôn Lý Hòa (xã Nhơn Lý), người có chiếc tàu công suất 22 CV bị chìm than thở: “Tài sản của gia đình chỉ có chiếc tàu, giờ nó chìm rồi kể như trắng tay. Chiếc tàu vừa mới làm nước lại, chưa kịp đi chuyến biển nào giờ đã mất tăm dưới đáy biển, kể như mất đứt hơn 100 triệu đồng. Nhìn tài sản của mình bị mất ngay trước mắt mà không cách nào để cứu, đau lòng lắm. Con trai tui cũng có chiếc tàu bị chìm cùng lúc”.
Đến chiều 31/3, sóng giảm, mưa tạnh, chính quyền xã Nhơn Lý và các lực lượng chức năng vận động ngư dân đưa ghe, thuyền đánh cá đi trú ẩn ở những nơi an toàn hơn.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, cho biết: “Mưa lớn bất ngờ, gió lốc xoáy khiến các tàu cá có công suất nhỏ neo đậu gần bờ bị đánh chìm hoặc đánh dạt vào bờ. Còn các tàu cá neo đậu ở các cảng cá trong tỉnh hiện đảm bảo an toàn. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, chúng tôi chỉ đạo các ban quản lý cảng cá trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu neo đậu đảm bảo an toàn”.
Không chỉ dưới biển, trên bờ cũng bị thiệt hại lớn. Mưa lớn và gió lốc cũng khiến nhiều diện tích lúa vụ đông xuân sắp thu hoạch bị ngã đổ, ngập nước. Thiệt hại nặng nhất là các xã khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn và 1 số xã các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, người dân cấp tập thu hoạch lúa chạy mưa nhưng vẫn không kịp.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết: “Đợt mưa này được dự báo từ trước, lượng mưa ước khoảng 100mm. Trước đó, Sở NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi tháo dỡ đập dâng trên các sông để tiêu thoát nước; hướng dẫn các địa phương cho gặt nhanh các diện tích lúa đã đủ điều kiện.
Tuy nhiên, do lượng mưa lớn nên xảy ra ngập lụt cục bộ ở nhiều chân ruộng, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch ngã đổ, ngập nước. Hiện chúng tôi đã giao các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, thu hoạch lúa ở các diện tích ngập; tiếp tục theo dõi diễn biến và cảnh báo thời tiết để chủ động thực hiện; hướng dẫn các địa phương kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại”.
Chiều tối 31/3, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Đinh đã đi kiểm tra hiện trường vụ hàng loạt tàu cá bị lốc xoáy đánh chìm ở xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn).
Tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng động viên người dân bị thiệt hại. “Đợt lốc xoáy sáng nay là điều bất thường, chưa từng xảy ra ở địa phương nên bà con thiếu cảnh giác dẫn đến thiệt hại rất lớn về tài sản.
Trước tình hình này, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Sở NN-PTNT thống kê toàn bộ thiệt hại trong đợt lốc xoáy, báo cáo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân. Hầu hết người dân bị thiệt hại có hoàn cảnh khó khăn, sinh kế đều từ các con tàu đã bị chìm hoặc hư hỏng, nên tôi đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã Nhơn Lý trước mắt hỗ trợ ngay gạo, lương thực thực phẩm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo đời sống trong những ngày tới”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Ở Quảng Nam, mưa lớn kéo dài đã khiến cho hàng ngàn ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng, ngã đổ. Vụ sản xuất Đông Xuân 2021-2022 đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, đợt mưa lớn đang diễn ra trên địa bàn đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Từ 19h ngày 30/3 đến sáng 1/4, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 200mm. Lượng mưa tại các trạm cụ thể như: Đầu mối hồ Phú Ninh: 225,8mm, cầu Hương An: 222,4mm; hồ Phú Lộc: 209,8mm…
Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 - 48 giờ tới tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo thống kê sơ bộ ban đầu tại tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lớn này đã khiến cho 14.253 ha lúa đổ ngã, ngập; 5.495ha rau màu các loại bị ngập. Ngoài ra còn có 100.000 cây hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng.
“Hiện tại vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại. Các địa phương đang tiếp tục thống kê từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho bà con. Có thể nói, vụ đông xuân này rất đau xót. Từ việc chuẩn bị phương án chống hạn bây giờ lại chuyển qua chống ngập.
Mấy năm trước vào thời điểm này cũng có mưa nhưng không lớn và ảnh hưởng nhiều như bây giờ. Trong tình hình nếu không cứu nỗi vụ đông xuân thì sẽ chuẩn bị các phương án sản xuất cho vụ hè thu để người dân khôi phục, ổn định sản xuất”, ông Tích nói.