| Hotline: 0983.970.780

Mùa nước nổi du khách kéo về Vườn quốc gia Tràm Chim

Thứ Sáu 25/10/2024 , 07:26 (GMT+7)

Đồng Tháp Sau vụ cháy gây thiệt hại hơn 20ha, Vườn quốc gia Tràm Chim đã phục hồi cảnh quan và đang chào đón khách du lịch mùa nước nổi.

Vườn quốc gia Tràm Chim trải dài qua địa phận của 6 xã Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, được xem là “ngôi nhà xanh” của nhiều loài chim quý hiếm.

Vườn quốc gia Tràm Chim mùa nước nổi . Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Vườn quốc gia Tràm Chim mùa nước nổi . Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Với tổng diện tích hơn 7.500ha, vụ cháy ngày 11/6/2024 gây thiệt hại hơn 20ha rừng tại đây, trong đó có 18ha rừng bị cháy dưới tán. Với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng địa phương, Ban quản lý Vườn quốc gia đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, tái tạo trồng lại rừng.

Sau hơn 4 tháng, giờ đây những cây tràm đã phục hồi trở lại khi mùa mưa đến. Ở những nơi cây tràm bị cháy hoàn toàn thì diện tích rừng đã được trồng lại đang phát triển tốt.

Chúng tôi có dịp trở lại ghé thăm vườn ngay vào mùa nước nổi đang đổ về (từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch). Đây là thời điểm đẹp nhất trong năm, lúc hoa sen, hoa súng bừng nở và cũng vào thời điểm sinh sản của những loài chim.

Rừng tràm đã được phục hồi sau cháy lớn. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Rừng tràm đã được phục hồi sau cháy lớn. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Dọc theo cung đường quanh co qua những tán tràm lớn, khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ xanh mướt hiện ra trước mắt chúng tôi là đồng cỏ năng (diện tích 2.968ha). Nơi đây là bãi thức ăn của các loài sếu với những bữa tiệc thịnh soạn đủ loại loại ốc, cua, ếch, nhái cùng nhiều loại côn trùng. Xen lẫn trong quần thể cỏ năng là những loài thực vật thủy sinh như nhĩ cán vàng, súng ma, rong đuôi chồn.

Trên quãng đường tham quan du khách không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ của thảm thực vật nơi đây. Ta dễ dàng bắt gặp những loài chim như sếu, cò trắng, cò thìa, cà kheo, cò bợ, trích cồ, trích đất, vịt trời, le khoang cổ, cò lửa, cò lép, cồng cộc, chèo bẻo…

Hiện nay, Vườn quốc gia Tràm Chim đang phát triển mô hình du lịch sinh thái, không những giúp nâng cao ý thức người dân, tránh những hành vi phá rừng, trục lợi gây ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật, ngoài ra còn giúp giới thiệu đến bạn bè quốc tế cảnh đẹp Việt Nam.

Ông Võ Văn Ngoan, người phụ trách đưa đón du khách tham quan. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Ông Võ Văn Ngoan, người phụ trách đưa đón du khách tham quan. Ảnh: Hồ Thị Thảo.

Ông Võ Văn Ngoan, một người dân chuyên chở khách tham quan chia sẻ, cuối tuần là thời gian cao điểm đón khách với hơn 100 người/ngày. Ngoài ngồi thuyền ngắm cảnh, du khách còn được phục vụ thêm những món ăn đặc sản địa phương. Giá vé tham quan chỉ 20.000 đồng/người. Phí thuê phương tiện (xuồng với sức chứa tối đa 10 người) từ 700.000-1.200.000 đồng cho lộ trình tham quan kéo dài từ 7-21km.

Với tiềm năng du lịch lớn, Vườn quốc gia Tràm Chim đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách khi đến tham quan du lịch khám phá và trải nghiệm vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, công tác bảo tồn thiên nhiên tại đây hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước những đối tượng xấu muốn vào sâu bên trong để khai thác tài nguyên dẫn đến sự suy kiệt tài nguyên (cá, củi, cỏ), mặc dù các cơ quan ban ngành cùng chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp cân cân bằng giữa du lịch sinh thái và bảo vệ rừng.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất