Ngoài học phí thì nhiều bậc phụ huynh đau đầu với những loại tiền phải nộp cho nhà trường với tên gọi chung là “phí cơ sở vật chất”. Mỗi đơn vị giáo dục đều “sáng kiến” một kiểu thu riêng, nên phụ phí năm học mới không khác gì một ma trận kỳ quái.
Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đã đưa ra quy định khung để khống chế mức thu phụ phí ở các trường học. Sở dĩ, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM phải có động thái quyết liệt này, vì liên tục hai sự cố vừa xảy ra trên địa bàn.
Thứ nhất là việc thu tiền ghế nhựa để phục vụ các buổi chào cờ ở Trường THCS Bình Chánh, bị phản ứng phải trả lại cho phụ huynh.
Thứ hai là việc Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn bị phụ huynh căng băng-rôn đề nghị làm rõ các khoản thu khuất tất, phải tạm đình chỉ chức vụ 90 ngày để giải quyết rắc rối.
Khái niệm “phí cơ sở vật chất” cực kỳ mơ hồ đối với nhiều người. Bởi lẽ, nếu một đơn vị chưa đảm bảo “cơ sở vật chất” thì tại sao được quyền mở cửa đến đón học sinh?
Mặt khác, “học phí” lại được tách riêng, như thể phụ huynh không đóng thêm các loại phí khác như tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh thì quá trình dạy và học khổng thể diễn ra.
Oái oăm hơn là môn học “kỹ năng sống” cũng thành một khoản phụ phí. Hoặc, môn tiếng Anh đã thu một khoản học phí, lại kèm “phụ phí có giáo viên nước ngoài”.
Chuyện lạm thu đầu năm học đã được báo động nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Chẳng đặng đừng, Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố 7 loại phí mà nhà trường không được phép thu của phụ huynh, bao gồm: Thứ nhất, phí bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường. Thứ hai, phí trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh. Thứ ba, phí vệ sinh trường học, lớp học. Thứ tư, phí khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường. Thứ năm, phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Thứ sáu, phí hỗ trợ công tác quản lý và các hoạt động giáo dục. Thứ bảy, phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thế nhưng, khi quy định 7 loại phí trên, thì Bộ Giáo dục & Đào tạo lại cho phép thu 10 loại phí để duy trì công tác giáo dục mà có cả “thu, chi viện trợ quà biếu” và “thu chi khoản đóng góp tự nguyện”.
Thử hỏi, “viện trợ quà biếu” và “đóng góp tự nguyện” phải hiểu làm sao cho chính xác? Khi nhà trường đã gợi ý thì phụ huynh nào dám khước từ?
Hơn nữa, các khoản phụ phí không niêm yết công khai thì rất nhiều hệ lụy phát sinh. Nếu không giám sát các khoản phụ phí, thì nhà trường lại xem mỗi phụ huynh như một cái máy ATM, và mùa thu nhập học lại biến thành mùa thu… phụ phí.