"Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải duy trì sự kiểm soát của con người đối với việc ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét cẩn thận các rủi ro tiềm ẩn và phát triển công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Hiện chưa rõ liệu tuyên bố này có dẫn đến các cuộc đàm phán hay hành động tiếp theo về vấn đề này hay không. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đã đánh dấu bước tiến đầu tiên giữa hai nước trong 2 vấn đề mà những tiến bộ của chúng thường được được giấu kín: vũ khí hạt nhân và trí tuệ nhân tạo.
Washington đã thúc đẩy Bắc Kinh trong nhiều tháng để thuyết phục nước này đàm phán về vũ khí hạt nhân.
Hai nước đã nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán cấp chính thức về vũ khí hạt nhân hồi tháng 11 nhưng các cuộc đàm phán đó đã gặp bế tắc, với một quan chức cấp cao của Mỹ công khai bày tỏ sự thất vọng về phản ứng của Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán chính thức về kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ không sớm được thực hiện, bất chấp những lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng vũ khí hạt.
Về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán song phương chính thức đầu tiên về vấn đề này vào tháng 5 tại Geneva, song những cuộc đàm phán đó được cho là không đề cập đến việc ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Bắc Kinh có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang sẵn sàng hoạt động và có thể sẽ sở hữu hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Con số này thấp hơn nhiều so với lần lượt 1.770 và 1.710 đầu đạn mà Mỹ và Nga sở hữu.
Kể từ năm 2020, Trung Quốc cũng đã hiện đại hóa chương trình hạt nhân của mình, bắt đầu sản xuất tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ mới, thử nghiệm đầu đạn trang bị phương tiện lướt siêu vượt âm và thường xuyên tổ chức tuần tra biển bằng phương tiện mang vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc không tiết lộ chi tiết kho vũ khí của mình, nhưng tuyên bố sẽ duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và duy trì khả năng răn đe hạt nhân ở mức tối thiểu. Các quan chức nước này trong năm nay cũng kêu gọi các cường quốc khác áp dụng lập trường tương tự.
Trong các cuộc trao đổi không chính thức gần đây với các học giả Mỹ và các quan chức đã nghỉ hưu, các học giả Trung Quốc cho biết chính sách của họ vẫn không thay đổi và mô tả các đánh giá của phương Tây là "phóng đại".
Chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt chiến lược hạt nhân tuyệt mật trong năm nay và người phát ngôn Nhà Trắng trước đó cho biết, chiến lược này "không phải là phản ứng nhằm đối phó với bất kỳ thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào", bất chấp những lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.