Năm Ất Tỵ 2025 có đến 384 ngày
Theo Lịch vạn niên, tháng 6 âm lịch 2025 là tháng nhuận nên số ngày âm lịch sẽ dài hơn dương lịch 19 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc từ mùng 1 Tết Ất Tỵ (29/1/2025) đến mùng 1 Tết Bính Ngọ (17/2/2026) dài 384 ngày. Như vậy năm nay, số ngày trong năm âm lịch dài hơn dương lịch tới 19 ngày.
Nếu lật giở cuốn lịch đến tháng 6 âm lịch, chúng ta sẽ thấy có nhuận tháng 6,Trong đó, tháng 6 âm lịch đầu tiên có 30 ngày, bắt đầu từ ngày 25/6 - 24/7 dương lịch. Tiếp đến là một tháng 6 nhuận kéo dài 29 ngày từ ngày 25/7 - 22/8 dương lịch. Chính việc có thêm một tháng nhuận là tháng 6 âm lịch 2025, nên đã đưa tổng số ngày trong năm Ất Tỵ 2025 lên 384 ngày.
Vì sao năm Ất Tỵ 2025 có hai tháng 6?
Dương lịch hiện là lịch được sử dụng phổ biến trên toàn cầu dựa trên chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, kéo dài khoảng 365,2422 ngày. Nếu chúng ta không tính đến sự khác biệt này thì cứ mỗi năm vượt qua khoảng cách giữa dương lịch và thời gian trái đất quay quanh một vòng mặt trời sẽ chênh lệch 5 giờ, 48 phút và 56 giây. Để điều chỉnh số ngày lẻ này, Dương lịch áp dụng quy tắc năm nhuận, cứ bốn năm lại thêm một ngày, đưa tổng số ngày của năm nhuận lên 366.
Ngược lại, Âm lịch hoạt động dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng. Mỗi tháng âm lịch bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà mặt trăng ở cùng phía với mặt trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch.
Thời gian từ điểm sóc này tới điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Một tháng âm lịch, còn gọi là tháng sóc vọng, kéo dài khoảng 29,53 ngày. Do đó, một năm âm lịch thông thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn dương lịch khoảng 11 ngày.
Để làm cho độ dài của năm âm lịch gần với năm dương lịch (năm hồi quy), và thứ tự các tháng phù hợp với bốn mùa, lịch âm lịch sử dụng phương pháp thêm tháng nhuận để bù đắp chênh lệch thời gian. Việc sắp xếp tháng nhuận có liên quan đến các tiết khí.
Trong năm âm lịch, tháng âm lịch đầu tiên sau Đông chí mà không có trung khí được xác định là tháng nhuận. Trung khí là 12 tiết khí trong số 24 tiết khí được xếp theo thứ tự chẵn bắt đầu từ Lập xuân (như Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ,…).
Một năm âm lịch nhuận có 13 tháng, dài khoảng 384 ngày. Cứ khoảng 19 năm âm lịch thì có 7 năm nhuận, do đó có câu nói “mười chín năm bảy nhuận”.
Năm 2024 dương lịch là năm nhuận, có 366 ngày, năm Giáp Thìn âm lịch là năm thường, có 354 ngày, năm dương lịch dài hơn năm âm lịch 12 ngày. Còn năm 2025 dương lịch là năm thường, có 365 ngày, năm Ất Tỵ âm lịch là năm nhuận, nhuận tháng 6, tổng cộng 384 ngày, ngược lại dài hơn năm dương lịch những 19 ngày.
Một cách tính đơn giản để xác định năm nhuận theo Âm lịch là chia năm đó cho 19. Nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9, 11, 14, hoặc 17, thì năm đó có tháng nhuận.
Việc điều chỉnh tháng nhuận không chỉ đảm bảo Âm lịch phản ánh đúng chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng mà còn giữ cho các mùa và tiết khí không bị lệch xa so với thực tế. Điều này giúp lịch Âm phù hợp với nông nghiệp, lễ hội và các hoạt động văn hóa truyền thống.