| Hotline: 0983.970.780

Nam Bộ: Gà chết hàng loạt

Thứ Ba 27/11/2007 , 07:22 (GMT+7)

Những ngày qua, người chăn nuôi ở Long An, Tiền Giang điêu đứng vì gà chết. Nhà cung cấp đổ cho dân, còn dân bảo nói thế oan cho họ. Trong khi người ngoài cuộc lại nghi vấn tính pháp lý của những tờ giấy kiểm dịch?

Gà chết do lỗi nông dân?

Ngày 26/11, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, ông Lê Minh Khánh cho biết: Hiện gà bị bệnh Marek đã xảy ra trên 42 đàn ở 37 hộ (mỗi hộ nuôi bình quân từ 5.000-7.000 con) chủ yếu ba xã Lương Hoà Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết (huyện Chợ Gạo). Theo ông Khánh, Marek là loại virus không thuốc trị mà chỉ có thể phòng ngừa. Theo Chi cục Thú y Tiền Giang, số gà một ngày tuổi được Cty CP VN đưa xuống cho dân nuôi gia công từ đầu năm đến nay khoảng 300.000 con.

Lực lượng thú y cũng đang rà soát, thống kế xác định nguyên nhân xảy ra bệnh Marek ở từng trang trại. Về việc tiêu độc khử trùng chuồng trại, ông Khánh nói rằng thuốc sát trùng từng được chính quyền đưa đến tay dân, để người dân phun xịt phòng ngừa dịch bệnh. Vì vậy khi phía Cty CP VN đổ do môi trường nuôi không được vệ sinh kĩ lưỡng đã khiến nhiều nông dân phản ứng.

Anh Nguyễn Thành Nguyên, chủ trại gà qui mô ở ấp Lương Phú C (xã Lương Hoà Lạc) tâm sự, lần này mang nợ là cái chắc bởi đàn gà của anh chết la liệt. Anh nuôi 1.000 con gà đẻ trứng thì đến nay số  gà bệnh chết đã trên 700 con. 

Nông dân Đoàn Tấn Đầy cũng chua chát: “Gà lúc mới mua về con nào cũng khỏe, lớn thấy mê. Nhưng từ hơn 2 tháng tuổi trở đi là bắt đầu chết . Nhìn chuồng gà cứ vơi dần, trong khi khắp vườn không còn chỗ đào hố chôn gà lòng tôi đau như cắt".

Trại gà của anh Đoàn Tấn Đủ cũng chung số phận. Tổng đàn khoảng 1.000 con thì số lượng chết đã hơn 800 con, 200 con còn lại đang tiếp tục chết! Nặng nhất là hộ anh Phùng Văn An, nuôi trên 50.000 con thì dịch bệnh những ngày qua làm chết hơn 30.000 con, lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Ông Hai Tuấn, người có thâm niên nuôi gà ở xã Phú Kiết cảnh báo: “Từ khi dịch cúm H5N1 bùng phát đến nay  chưa bao giờ thấy gà chết nhanh, la liệt như vầy”.

Nghi vấn tính pháp lý của giấy kiểm dịch

Trao đổi qua điện thoại với NNVN tối  26/11, Phó TGĐ Cty CP VN, ông Chamman khẳng định, gà bị bệnh Marek chết nhiều ở Tiền Giang chủ yếu do môi trường nuôi. Gà giống của CP cung cấp cho các hộ dân đều có xác nhận tiêm phòng các loại bệnh của cơ quan thú y. Ông Chamman cũng cho biết ,CP sẽ ngồi lại với các cơ quan chức năng để xác định cụ thể  nguyên nhân ở những nơi xảy ra gà chết…

Sau các đợt dịch bệnh, một điều cho thấy những hộ chăn nuôi bị thiệt hại  lớn đều có quy mô đàn không hề nhỏ. Nghi vấn đặt ra là, gà giống một ngày tuổi của CP được cấp giấy kiểm dịch đưa xuống dân có tiêm phòng không? Chi cục phó Chi cục Thú y Tiền Giang trả lời rất lập lờ “Chuyện gà có tiêm phòng vắcxin Marek hay không  ngoài tầm trả lời của Chi cục”.

Một cán bộ trong ngành thú y lại đưa ra một nghi vấn nữa “Liệu có tiêm phòng ở nơi sản xuất giống không". Mà muốn  biết có tiêm phòng không thì kiểm tra kháng thể trên đàn gà là biết ngay.

Quy định hiện hành cho thấy, đối với trại giống có quy mô như Cty CP VN thì giấy chứng nhận kiểm dịch do Cục Thú y cấp,  trực tiếp là Cơ quan Thú y vùng VI. Theo một người có trách nhiệm của Cty CP VN , trước khi CP bán gà phải được chấp thuận của Trạm Thú y địa phương, và phải có giấy kiểm dịch tiêm phòng của Cơ quan Thú y vùng mới cho đi. Tuy vậy, do dân hám lợi  nuôi không đúng quy trình nên gà dù được tiêm phòng vẫn không đủ khả năng miễn dịch bệnh Marek, hoặc có thể xảy ra dịch vì môi trường đã  sẵn mầm bệnh (?).

 

 

 

 

 

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.