Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, đến thời điểm này diện tích nhiễm bệnh nặng chủ yếu ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Trong đó, huyện Giao Thủy có diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen lớn nhất tỉnh.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV kiểm tra, giám sát bệnh lùn sọc đen tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy) |
Ông Phan Văn Trực, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giao Thủy cho biết: Ngay từ đầu vụ, huyện đã có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Đồng thời, thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng trừ mang tính cộng đồng, tránh tư tưởng chủ quan, coi thường mức độ nguy hại của bệnh.
“Vừa qua huyện đã tổ chức hội nghị họp lãnh đạo các xã, thị trấn về phòng trừ bệnh lùn sọc đen và sâu cuốn lá cao điểm đợt 2. Hiện tại đã hoàn thành phun phòng trừ rầy lưng trắng lứa 4 cho 4.000ha lúa và đang thực hiện phun trừ rầy lưng trắng lứa 5”, ông Trực cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Yến (xóm 3, xã Hoành Sơn, Giao Thủy) chia sẻ: "Bệnh lùn sọc đen xuất hiện từ ngày 10/8 trở lại đây ở thời kỳ lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh trên tất cả các giống. Cây nhiễm bệnh lùn hơn những cây còn lại, thân cứng, rễ đen".
Ông Đặng Xuân Đoài, Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn cho biết: “Bệnh lùn sọc đen xuất hiện rải rác ở tất cả các xóm trong xã, trong đó bị nhiễm nặng nhất tại xóm 3 và xóm 13. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền bà con tổ chức nhổ vùi những cây bị bệnh, vệ sinh kênh mương, những diện tích còn lại đang tiếp tục theo dõi để có phương án xử lý kịp thời”.
Để dịch bệnh không bùng phát mạnh, Sở NN-PTNT Nam Định chỉ đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV phân công cán bộ, kỹ sư phối hợp với Ban Nông nghiệp các địa phương kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, phát hiện kịp thời các diện tích lúa nhiễm bệnh để đưa ra các biện pháp khoanh vùng, phòng trừ phù hợp.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen dễ phát hiện hơn thời điểm trước, bởi lúa ở giai đoạn này đang sinh trưởng, phát triển mạnh, lóng, đốt phát triển nhanh nên những cây bị bệnh thường thấp lùn hẳn đi. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt đợt phun trừ rầy lứa 5 từ ngày 20/8 - 3/9 ở những diện tích lúa có mật độ rầy từ 20 con/khóm trở lên.
Nông dân nhổ những khóm lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen |
Khi phát hiện thấy cây lúa nhiễm bệnh cần nhổ, vùi cây bệnh để diệt nguồn bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe đồng thời phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất bệnh lùn sọc đen.
“Đặc biệt, chú ý coi trọng phun trừ rầy cho những diện tích lúa bị ngập úng phải gieo cấy lại (17 nghìn ha) ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên để bảo vệ lúa non đến hết giai đoạn làm đòng, bởi đây là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen và ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa”, ông Chính khuyến cáo.
Đến nay, toàn tỉnh đã phun trừ 37.155ha (đạt 100% diện tích cần phun trừ) rầy lưng trắng lứa 4, phun trừ 3.250ha rầy lưng trắng lứa 5 (đạt 26% diện tích). Trên đồng ruộng cơ bản đã “sạch” rầy, các hộ nông dân đã nhổ vùi được trên 3.000ha cây lúa bị bệnh lùn sọc đen.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định đã mời TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện BVTV, chuyên gia đầu ngành về bệnh lùn sọc đen kiểm tra những diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy) và Hải Đông (Hải Hậu). Qua kiểm tra, đánh giá, Chi cục khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nếu phát hiện sớm bệnh lùn sọc đen thì thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ. |