Để lúa trỗ bông an toàn, ngành trồng trọt Nam Định khuyến cáo các địa phương tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại, trong đó tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và sâu đục thân 2 chấm lứa 5.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định dự báo, nguồn sâu đục thân 2 chấm lứa 5 có mật độ tương đương so với cùng kỳ năm trước, sâu sẽ gây hại nặng trà lúa trỗ bông sau ngày 15/9 đối với các huyện phía Bắc tỉnh, sau 20/9 đối với các huyện phía Nam tỉnh.
Ghi nhận tại huyện Trực Ninh, các trà lúa mùa trong huyện đã trỗ bông đều, phát triển tốt. Nhiều diện tích lúa trỗ bông đạt gần 100%. Sau khi có thông báo về lịch phun trừ sâu bệnh gây hại trên lúa, người dân các địa phương đã đồng loạt xuống đồng phun trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 5, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và một số sâu hại khác.
Thời điểm này, một số diện tích lúa mùa ở một số xã trong huyện đang có dấu hiệu bị “giặc” chuột gặm nhấm, tàn phá. Bà con nông dân cũng đã chuẩn bị các phương án xử lý “giặc” chuột để đảm bảo vụ lúa mùa thắng lợi nhất…
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, sau khi lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, Sở NN-PTNT đi kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa mùa ở các huyện, đơn vị đã có Công văn Số: 2161/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo người dân phun trừ lại sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 kết hợp với trừ rầy, bệnh khô vằn cho những diện tích còn mật độ sâu cuốn lá sống ≥ 50 con/m2. Phun thuốc trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 5, đạo ôn cổ bông…
Hướng dẫn người dân đảm bảo đủ nước cho lúa trỗ bông, phơi màu thuận lợi; bón đủ lượng phân kali đảm bảo theo quy trình hướng dẫn (tổng lượng kali đạt từ 5 - 6 kg/sào). Tuyệt đối không bón phân Ure đón đòng để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá.