Theo nghiên cứu mới công bố của Đại học Dartmouth (Mỹ), hai quốc gia phát thải hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước từng gây ra tổng thiệt hại về thu nhập toàn cầu là 1,8 nghìn tỷ USD (1,79 nghìn tỷ euro) từ năm 1990 đến năm 2014. Tiếp đến là Nga, Ấn Độ và Brazil – mỗi nước đã gây ra thiệt hại trên 500 tỷ USD (498 tỷ euro) trong nhiều năm.
Tổng cộng, năm quốc gia này đã gây ra khoảng 6 nghìn tỷ euro tổn thất lũy kế, tương đương khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong giai đoạn nghiên cứu.
Phân tích cũng chia nhỏ dữ liệu để chỉ ra thiệt hại do một đơn vị phát thải gây ra đối với nền kinh tế của từng quốc gia khác.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Justin Mankin: Nghiên cứu mới đã cung cấp những ước tính có giá trị pháp lý về những thiệt hại tài chính mà các quốc gia khác phải gánh chịu do các tác động của biến đổi khí hậu. Nó cũng tính toán xem xét lượng carbon mà mỗi quốc gia thải ra và tác động của nó đối với sự nóng lên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu sau đó đã kết nối điều đó với các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng đã tác động đến các nền kinh tế trên thế giới như thế nào.
Theo đó, nhiệt độ nóng hơn có thể gây ra thiệt hại kinh tế cho mỗi quốc gia theo nhiều cách như giảm năng suất nông nghiệp hoặc giảm năng suất lao động do căng thẳng nhiệt.
Số liệu phân tích cho thấy, lượng khí thải của Mỹ đã khiến Mexico mất tổng cộng 79 tỷ euro GDP từ năm 1990 đến năm 2014. Nước này cũng gây ra 308 tỷ euro thiệt hại về khí hậu kinh tế cho Brazil, 255 tỷ euro cho Ấn Độ và 123 tỷ euro cho Indonesia.
Ngược lại, đối với một số quốc gia mát mẻ hơn ở phía bắc, sự ấm lên có thể nâng cao sản lượng bằng cách thúc đẩy năng suất cây trồng. Ví dụ, Mỹ đã thu lợi hơn 182 tỷ euro từ sự nóng lên toàn cầu mà nó gây ra và tác động của nó đối với Canada là thu được 246 tỷ euro.
Trong hai thập kỷ qua, số lượng các vụ kiện liên quan đến khí hậu đã tăng từ vài lên tới trên một nghìn vụ, chủ yếu nhắm vào các công ty dầu mỏ lớn và các doanh nghiệp khác, thay vì cố gắng quy trách nhiệm về lượng khí thải của bất kỳ quốc gia nào.