| Hotline: 0983.970.780

Năm thắng lợi toàn diện của ngành lâm nghiệp

Thứ Sáu 30/12/2022 , 14:54 (GMT+7)

HÀ NỘI Năm 2023, ngành lâm nghiệp đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021.

Đạt và vượt tất cả chỉ tiêu

Sáng 30/12, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, năm 2022, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Lâm nghiệp ngày 30/12. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Lâm nghiệp ngày 30/12. Ảnh: Bá Thắng.

Về trồng rừng, tổng diện tích đã trồng là 259.615ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 105,9% so với năm 2021, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất (249.369ha), tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Cây phân tán trồng khoảng 122 triệu cây, đạt 103% kế hoạch năm. Tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 42,02%, đạt mục tiêu đề ra.

Về bảo vệ rừng, 3.624 vụ phá rừng được phát hiện và xử lý. Diện tích rừng bị tác động là 1.081ha, giảm 1% so với năm 2021. Số vụ cháy rừng giảm 111 vụ, còn 85 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% với năm 2021.

Về khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác ước khoảng 19.698,8 nghìn m3, đạt 106,47% kế hoạch, bằng 107,2% năm 2021; sản lượng củi đạt 18,6 triệu ste, tăng 1% so với năm 2021.

Về dịch vụ môi trường rừng, cả nước thu được 3.686,96 tỷ đồng, đạt 122,9% kế hoạch và bằng 120,6% so với năm 2021. Trong đó: Trung ương thu 2.285,81 tỷ đồng, đạt 123,8% kế hoạch, bằng 118,9% so với năm 2021; tỉnh thu 1.391,29 tỷ đồng đạt 135% kế hoạch, bằng 122,8% so với năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa đánh giá, 5/5 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Ảnh: Bá Thắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa đánh giá, 5/5 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Ảnh: Bá Thắng.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt tỷ 1,1 USD, giảm 1,3%. 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, chiếm khoảng 91%.

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với 2021. Xuất siêu ước đạt 14,10 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Đánh giá về kết quả năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa cho rằng: 5/5 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Công tác chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương được chỉ đạo xuyên suốt, chủ động. 

"Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thu vượt kế hoạch, góp phần huy động kinh phí cho bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân và các đơn vị tham gia bảo vệ rừng", ông Nghĩa nói.

Cần thêm chính sách hỗ trợ kiểm lâm

Bên cạnh những thành tích đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa thừa nhận, hạ tầng phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp. Các chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Thắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Thắng.

Thu nhập trên mỗi ha rừng trồng còn thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập từ trồng rừng của người trồng rừng chỉ chiếm 25% tổng thu nhập. Kinh phí bảo vệ rừng còn ít, nơi có nơi không, hoặc cấp không kịp thời khiến nhiều chủ rừng phải nợ tiền. Mức khoán bảo vệ rừng khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1 triệu đồng/ha.

"Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Ngành cũng gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động mới", ông Nghĩa chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NN-PTNT đầu tư thêm nguồn lực, đặc biệt là những hỗ trợ về công nghệ thông tin để giúp lực lượng kiểm lâm giảm được sức ép về công tác giữ rừng, bảo vệ rừng.

"Cả nước có khoảng 12.000 cán bộ kiểm lâm, nhưng con số này có xu hướng giảm. Để có thể quản lý hơn 14 triệu ha rừng trên cả nước, lực lượng kiểm lâm mong mỏi sự quan tâm hơn nữa từ trung ương đến địa phương", ông Thiện bày tỏ.

Ông Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, mỗi năm trường đào tạo tổng cộng khoảng 13.000 học sinh, sinh viên trên nhiều lĩnh vực. Đây là số lượng tương đối lớn nhưng nhà trường vẫn gặp phải 3 vấn đề lớn, tương tự ngành lâm nghiệp là thiếu vốn đầu tư cho ngành nghề đào tạo, độ cạnh tranh giữa các ngành nghề và kiểm lâm nghỉ việc.

"Nhà trường ngày càng khó khăn trong công tác tuyển sinh, bởi những học sinh giỏi thường ưu tiên chọn những ngành nghề dễ xin việc sau khi tốt nghiệp", ông Toại nói.

Nhằm phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp, PGS.TS Phạm Minh Toại nêu một số giải pháp như liên kết với các trường THPT để tạo nguồn sinh viên sớm, phối hợp các hiệp hội để có chế độ ổn định cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Đời sống của lực lượng kiểm lâm đang là vấn đề khó khăn lớn của ngành lâm nghiệp. Ảnh: TL.

Đời sống của lực lượng kiểm lâm đang là vấn đề khó khăn lớn của ngành lâm nghiệp. Ảnh: TL.

Ông Đào Quốc Luân, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) đánh giá, ngành lâm nghiệp nằm trong nhóm tăng trưởng cao, nổi bật là giá trị xuất khẩu. Đóng góp lớn cho sức bật này, theo ông Luân, là hai nhóm sản phẩm viên nén và dăm gỗ.

Sang năm 2023, theo Nghị định 105, Tổng cục Lâm nghiệp từ một đơn vị quản lý chung sẽ tách thành 2 đơn vị là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Ông Luân hi vọng, cán bộ, nhân viên ngành yên tâm công tác, đảm bảo tốc độ tăng trưởng và sự phát triển chung cho toàn ngành.

Mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD năm 2023

Ghi nhận các ý kiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, việc khai thác, sử dụng rừng những năm qua ngày càng phát triển. Những tổ chức, cá nhân liên quan hầu hết đều được nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng, chuyển dịch lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

"Môi trường rừng hiện là nơi sinh sống, đảm bảo sinh kế cho hơn 20 triệu người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc. Ngành lâm nghiệp cần phát triển nhanh, nhưng cần đảm bảo yếu tố bền vững để đáp ứng được nhu cầu này", ông Bảo bày tỏ.

Chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị ghi nhận giá trị xuất khẩu trong năm 2022 của ngành lâm nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Trị cho biết, ngày ông mới về nhận công tác tại Bộ NN-PTNT vào năm 2015, giá trị xuất khẩu của ngành vào khoảng 7 tỷ USD. Sau một thời gian, tốc độ tăng trưởng của ngành liên tiếp đạt và phá các kỷ lục. Đến nay, sau 7 năm, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 2,5 lần.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm liên tục tăng là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho những người đã, đang và sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất gỗ.

Về mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng đến những yếu tố khách quan như biến động thị trường, lạm phát cũng như nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ. 

Trong năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tái cơ cấu tổ chức. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng ngoài việc sắp xếp lại bộ máy, từng cán bộ, công nhân viên của ngành lâm nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn, đạt được những kết quả tốt hơn trong năm mới để xứng đáng với sự tin tưởng của Chính phủ và Bộ NN-PTNT.

"Dù trên vai trò và vị trí nào, chúng ta vẫn là những người thuộc ngành lâm nghiệp. Tất cả cùng phải đoàn kết, gắn bó, phấn đấu vì mục tiêu chung của toàn ngành", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Ngành lâm nghiệp đặt một số mục tiêu trong năm 2023 như: Tăng giá trị sản xuất từ 5 - 5,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD; trồng rừng tập trung 245.000ha, trồng phân tán 140 triệu cây; khai thác 22 triệu m3 gỗ rừng trồng; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng và xây dựng 5 văn bản quy phạm pháp luật.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.