Cụ thể trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 601.045 tấn gạo, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói về phân khúc thị trường, ông Veng Sakhon cho biết, Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu gạo hàng đầu và chiếm tới non nửa tổng lượng xuất khẩu là 234.940 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó kể từ đầu năm đến nay, quốc gia trên 16 triệu dân chủ yếu làm nông nghiệp ở Đông Nam Á cũng xuất khẩu được 188.436 tấn gạo sang thị trường châu Âu khó tính, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Veng Sakhon, thị trường châu Âu chiếm 31,3% tổng lượng gạo xuất khẩu của vương quốc Campuchia. "Nhìn chung, cả thị phần và thị trường xuất khẩu gạo của chúng tôi trong 11 tháng đầu năm đều tăng".
Hiện mặt hàng gạo của Campuchia xuất khẩu tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Không chỉ đột phá về xuất khẩu gạo, hoạt động xuất khẩu cao su của nước này năm nay còn ấn tượng hơn, khi trong 10 tháng đầu năm đã tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 242.922 tấn cao su nguyên liệu khô.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Cao su Campuchia hôm Chủ nhật tuần trước cho biết, 10 tháng đầu năm nay vương quốc đã đạt tổng doanh thu 318 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Giá mỗi tấn cao su khô trung bình đạt giá trị 1.311 USD trong năm nay, tuy giảm chút ít so với năm ngoái nhưng bù lại số lượng tăng lên. Cao su Campuchia chủ yếu được xuất khẩu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc”, ông Pol Sopha, Tổng giám đốc Tổng cục Cao su cho biết.
Theo báo cáo, đến thời điểm này Campuchia đã trồng được tổng cộng 401.914 ha cao su, trong đó số cây đủ tiêu chuẩn đáp ứng chu kỳ khai thác đạt trên 290.013 ha, chiếm 72%.