| Hotline: 0983.970.780

Giá cao su tự nhiên đảo chiều, tăng đột biến

Thứ Sáu 11/09/2020 , 11:15 (GMT+7)

Triển vọng về thị trường, giá cao su tự nhiên sáng sủa trở lại do nhu cầu về găng tay bảo hộ tăng đột biến và nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới.

Nhu cầu thế giới về găng tay cao su sẽ tiếp tục tăng mạnh do đại dịch Covid-19 rất khó lường. Ảnh: BKP

Nhu cầu thế giới về găng tay cao su sẽ tiếp tục tăng mạnh do đại dịch Covid-19 rất khó lường. Ảnh: BKP

Ông Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết đang rất lạc quan về triển vọng thị trường cao su, khi giá cao su tấm hun khói loại 3 lần đầu tiên đạt 60 bạt/kg (tương đương 1,92 USD/kg) vào ngày 1/9/2020 sau hơn một thập kỷ. Theo đó, giá mặt hàng này đã tăng từ mốc 58,25 bạt/kg vào ngày 31/8 và 40,99 bạt hồi đầu năm.

Theo các chuyên gia, trước đây ngành cao su của Thái Lan thường tập trung chủ yếu vào sản phẩm cao su tấm, được sử dụng làm nguyên liệu thô để sản xuất lốp ô tô. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với các loại găng tay cao su bảo hộ, đồng nghĩa đẩy giá cao su tăng lên. Từ đó, các nhà máy đã chuyển hướng sang thu hoạch mủ cao su để sản xuất găng tay cao su.

Ông Luckchai cho biết, năm nay sản lượng mủ cao su của Thái Lan dự kiến ​​chiếm tới 30% tổng sản lượng cao su, tăng so với mức 20% của năm 2019.

Tính đến cuối năm ngoái, Thái Lan đã chính thức trở thành nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng 4,8 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chiếm gần 4 triệu tấn, đạt tổng kim ngạch 11,2 tỷ USD, tăng 2% và đưa nước này vươn lên vị trí thứ tư về xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến, sau Trung Quốc, Đức và Mỹ.

Các thị trường tiêu thụ cao su lớn hiện nay gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Australia, với sản phẩm lốp ô tô chiếm 51% lượng xuất khẩu, tiếp theo là cao su tổng hợp và găng tay cao su lần lượt là 19% và 11%.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nhu cầu thế giới về sản phẩm găng tay bảo hộ sẽ tiếp tục tăng mạnh do đại dịch coronavirus, khiến khu vực xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan hiện đã tăng tới 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đưa kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 lên 959 triệu USD.

Năm 2019, Thái Lan đã sản xuất hơn 20 tỷ chiếc găng tay cao su bảo hộ, trong đó xuất khẩu chiếm 89% tổng sản lượng,  thu về 1,2 tỷ USD. Nước này là nhà xuất khẩu găng tay cao su lớn thứ ba thế giới, sau Malaysia và Trung Quốc.

Theo ông Luckchai, sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan năm nay ước tính chỉ ở mức 4,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu chiếm từ 3,8-3,9 triệu tấn, thấp hơn năm ngoái do mưa nhiều và khan hiếm lao động. Mặt khác vài năm qua, do giá cao su tự nhiên giảm cũng là một nguyên nhân khiến cho sản lượng giảm vì nó không khuyến khích nông dân trồng và bỏ bê khai thác cao su.

Ngoài ra cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự tại hầu hết các quốc gia thuộc cộng đồng trồng cao su khối CLMV, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong khoảng gần một thập kỷ qua. Tuy nhiên hiện khối CLMV vẫn cung cấp 5,3% sản lượng hàng hóa cho thị trường cao su toàn cầu.

Thị phần và giá trị xuất khẩu mặt hàng găng tay cao su bảo hộ của Thái Lan tăng mạnh kể từ quý 1/2020. Đồ họa: BKP

Thị phần và giá trị xuất khẩu mặt hàng găng tay cao su bảo hộ của Thái Lan tăng mạnh kể từ quý 1/2020. Đồ họa: BKP

Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới cũng đã tăng cường nhập khẩu cao su từ khối CLMV để đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Ông Luckchai cho biết, lượng tiêu thụ cao su trong nước năm nay dự kiến ​​sẽ tăng lên 900.000 tấn so với mức 800.000 tấn của năm ngoái khi Bộ Giao thông Thái Lan quyết định sử dụng cao su tự nhiên để sản xuất lưới chắn trên các tuyến đường trên phạm vi toàn quốc. Vị chuyên gia này đồng thời cũng đề nghị, chính phủ cần thúc đẩy việc sử dụng cao su tự nhiên trong nước để duy trì giá nội địa và giảm phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, hiện chiếm tới 80%.

Ông Luckchai cũng cho biết: “Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đang ất quan tâm đến việc đầu tư vào Thái Lan, chẳng hạn như trong ngành sản xuất găng tay cao su và lốp xe, nhưng đại dịch Covid-19 chính là trở ngại lớn trong thời điểm này”.

Trước đó hồi đầu năm, dự báo của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu có khả năng giảm 4,7% trong năm nay xuống còn 13,1 triệu tấn do tác động chuỗi của đại dịch Covid-19 và khiến ngành công nghiệp cao su có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Theo đó ANRPC cho rằng, lượng nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc có thể giảm 5,1% so với một năm trước xuống 4,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu từ Ấn Độ - nước tiêu thụ số 2 và là nhà sản xuất cao su lớn cũng dự kiến ​​sẽ giảm 21,3% trong một phần là do ngành công nghiệp xe hơi của họ bị đóng cửa vì đại dịch.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Cao su Chư Prông tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Nông trường Cao su Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2024.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...

Bình luận mới nhất