| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng hạt lúa: Để vượt qua 2 chữ "bình dân"

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:59 (GMT+7)

Năm 2010, lần đầu tiên ở ĐBSCL người trồng lúa thoát được cảnh “được mùa mất giá” mà đang là “được mùa, được giá”.

Con số xuất khẩu đạt 6,8 triệu T gạo với giá trị 3,2 tỷ USD (tăng 800.000 T so với năm ngoái) chưa nói lên hết được sự ổn định bắt đầu được hình thành trong ngành kinh tế NN mũi nhọn này từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản tồn trữ, chế biến xuất khẩu. Năm nay cũng là năm đánh dấu khoảng cách chênh lệch về giá XK của gạo VN với Thái Lan được giảm đáng kể, giá gạo trắng VN bán được chỉ thấp hơn 10-15 USD/T, thay vì xấp xỉ 100 USD/T như trước đây. Tuy mừng nhưng vẫn tiếc vì giá trị của hạt gạo VN sẽ được tăng lên nhiều nếu gạo VN đạt chất lượng cao hơn chứ không chỉ xếp hạng “bình dân” như các khách hàng vẫn gọi.

Thực ra để vượt lên chất lượng trung bình là chuyện không hề dễ, bởi đặc điểm chi phối nhất đến chất lượng là do bình quân ruộng đất quá thấp. ĐBSCL là nơi cung ứng đến 95% lượng gạo xuất khẩu hàng năm nhưng bình quân chỉ có 5.000 m2/hộ, thấp hơn 6 lần so với Thái Lan. Vì ruộng đất ít nên dân mình buộc phải thâm canh, bắt đất quay vòng đến 3 vụ/năm thay vì chỉ 1-2 vụ như các nước khác. Muốn làm 3 vụ/năm, lại còn phải né lũ, phải vệ sinh đồng ruộng nên hầu hết các giống đều phải sử dụng lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng phổ biến chỉ từ 90-100 ngày.

Giống đã ngắn ngày, thời gian quang hợp để biến năng lượng từ ánh sáng mặt trời chuyển sang vật chất hữu cơ ngắn lại nhưng lại yêu cầu năng suất cao. Mâu thuẫn trên là quá lớn và trước mắt chưa thể giải quyết nếu không có sự đột phá nào của khoa học.

Tuy không thể sánh với Basmati của Ấn Độ, Khaodawkmali, Home Mali của Thái Lan nhưng trong một phạm vi không lớn, VN đã có được những giống có chất lượng gạo cao từ xưa như Tài Nguyên, Nàng thơm chợ đào, Một bụi đỏ, Nanh chồn … và gần đây là Jasmin, ST 19, VĐ 20. Trong các giống trên thì chỉ có Jasmin có khả năng mở rộng diện tích lên trên 100.000 ha nhờ ngắn ngày, còn các giống khác đều trung ngày và phổ thích nghi hẹp nên khó có lượng hàng hóa lớn.

Một đặc điểm khác, do hạ tầng sản xuất và kinh doanh lúa gạo chưa hoàn chỉnh, hệ thống thu mua cơ sở chủ yếu dựa vào thương lái, chưa có nhà máy xay xát chuyên biệt nên việc lẫn lộn gạo của các giống với nhau (tuy có hình thái bên ngoài giống nhau nhưng chất lượng khác nhau) là phổ biến, đấy là chưa kể ruộng đất sản xuất manh mún nên cũng khó xây dựng được từng vùng nguyên liệu chuyên cho từng giống khác nhau.

 Nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo

Như đã nói trên, Việt Nam chưa có được “gạo đặc sản” có quy mô hàng hóa lớn, và nếu có cũng chỉ đủ cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên chất lượng gạo của Việt Nam cũng như thu nhập của người trồng lúa sẽ có bước cải thiện đáng kể nếu:

- Về canh tác: Hiện nay đã có nhiều nông dân áp dụng các quy trình canh tác lúa tiến bộ như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “4 khỏe” không những nâng cao hiệu quả cho người trồng lúa mà còn tăng chất lượng lúa gạo. Những tiến bộ kỹ thuật trên cần được phổ biến rộng khắp hơn nữa.

Phân bón có ảnh hưởng lớn đến chất lượng gạo. Việc sử dụng các phân chuyên dùng cho lúa như NPK Agrotain + TE Lúa 1, Lúa 2 của Bình Điền sẽ làm tăng đáng kể chất lượng gạo.

- Về thu hoạch và sau thu hoạch: Khảo sát cho thấy tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của ĐBSCL trong khoảng 14-15%. Tuy nhiên đấy cũng chỉ là con số về lượng mà chưa nói đến sự thất thoát về chất lượng. Việc thu hoạch không đúng độ chín (thông thường cần thu hoạch vào ngày thứ 28-30 sau trổ, nếu không nhớ ngày trổ thì khi thấy ruộng lúa chín vàng 85-90% thì thu hoạch), thu sớm hoặc thu trễ đều ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Vụ ĐX bà con thường có thói quen cắt xong phơi mớ ngoài đồng, việc làm này rất tiện cho bà con nông dân nhưng chất lượng lại bị giảm sút vì khi phơi ngoài đồng nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao, cộng với sương đêm làm cho hạt gạo bị rạn, bị bể nhiều khi xay chà và giảm tới 8-10% tỷ lệ thu hồi gạo nguyên. Vụ hè thu thu hoạch thường có mưa nhiều, sấy không kịp làm gạo bị ẩm vàng. Nghiên cứu cho thấy nếu sau thu hoạch lúa được làm khô ngay đạt 16% độ ẩm thì lúa sẽ để được trong vòng 1-2 tháng, nếu độ ẩm 14% thì có thể để lúa từ 4-6 tháng. Tuy nhiên trên thực tế thời gian bảo quản lại ngắn hơn vì sau khi làm khô bà con lại cứ chất lúa xung quanh nhà và lúa sẽ hút ẩm trở lại.

- Cần đẩy nhanh chương trình VietGAP. Hiện nay đã có một số mô hình sản xuất lúa theo VietGAP thành công nhưng chưa đáng kể. Sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP không những đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc mà còn làm tăng chất lượng gạo. Giá lúa trong mô hình VietGAP bao giờ bán cũng được cao hơn lúa bình thường ít nhất 200 đ/kg.

Trong 2 năm qua, Cty Phân bón Bình Điền đã phối hợp với Cục Trồng trọt xây dựng các cánh đồng VietGAP ở Tây Ninh, Bạc Liêu. Nông dân trong mô hình được mua phân bón theo giá gốc, được các kỹ thuật viên hướng dẫn tỷ mỉ về kỹ thuật canh tác và đã làm tăng lợi nhuận cho nông dân từ 1 – 2 triệu đ/ha. Chương trình đang được nân rộng ở một số tỉnh thành khác.

- Mỗi địa phương nên chọn cho mình một giống đặc sản. Tuy không kỳ vọng vào lượng hàng hóa lớn nhưng mỗi địa phương nên chọn và tổ chức canh tác, xây dựng thương hiệu một giống đặc sản mang tính đặc thù của địa phương mình. Việc có được đặc sản chẳng những giúp tăng thu nhập cho người trồng mà còn có tác dụng thúc đẩy chất lượng và giá trị của lúa “bình dân”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm