Nhằm nâng cao năng suất hiệu quả nghề trồng khóm (dứa), phát huy danh tiếng đặc sản khóm Tắc Cậu, xã Bình An (huyện Châu Thành, Kiên Giang), thời gian qua, các ngành chức năng huyện Châu Thành đã hình thành HTX, tổ hợp tác trồng khóm để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, qua đó áp dụng vào sản xuất nên năng suất, sản lượng tăng lên.
Xã Bình An có hơn 1.000 hộ dân trồng khóm trên diện tích khoảng 1.260 ha. Riêng mô hình sản xuất khóm VietGAP thực hiện trên diện tích 70 ha, với 49 hộ tham gia.
Tham gia mô hình sản xuất khóm VietGAP, nông dân được dự các khóa tập huấn, nắm bắt quy trình trồng đúng kỹ thuật và được hỗ trợ phân hữu cơ 200 kg/ha. Sau khi thực hiện theo đúng quy trình sản xuất VietGAP, năng suất khóm tăng từ 15 – 25%/ha, trọng lượng mỗi trái khóm cũng tăng, đạt khoảng 1,6 – 1,7 kg/trái, trong khi trước đây mỗi trái chỉ khoảng 1,2 kg. Giá bán theo đó cũng cao hơn trước từ 1.000 – 2.000 đồng/trái, giúp người dân thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng/ha/vụ.
Theo anh Lục Đức Long, cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Bình An, huyện Châu Thành cho biết ban đầu, bà con tham gia trồng khóm VietGAP còn cảm thấy khó khăn, nhưng sau khi qua các lớp tập huấn, bà con đều đồng tình theo quy trình VietGAP.
Việc sản xuất khóm VietGAP bước đầu đã thay đổi nhận thức của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt tạo niềm tin về sản phẩm khóm an toàn, chất lượng đối với người tiêu dùng.
Anh Hồ Văn Đảo, ngụ ấp An Lạc (xã Bình An, huyện Châu Thành) cho biết, trước khi áp dụng VietGAP thu hoạch khóm 4.500 trái/ha/năm. Đến nay, sau một năm triển khai quy trình VietGAP, thu hoạch bình quân đạt 6.000 trái/ha/năm.
Đặc biệt, trái khóm đẹp hơn trước, nên có giá cao. Người dân tham gia VietGAP đều rất phấn khởi với hiệu quả sản xuất của mô hình, giúp chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi lợi nhuận tăng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Gắn bó với nghề truyền thống trồng khóm trên 40 năm nay, ông Chiêm Văn Hái, ngụ tại ấp An Lạc (xã Bình An, huyện Châu Thành), thành viên HTX nông nghiệp khóm Tắc Cậu phấn khởi với lợi ích mang lại từ việc tham gia VietGAP.
Theo ông Hái, nhờ mô hình VietGAP, ông mới biết trồng khóm cũng cần có sổ sách ghi chép tỉ mỉ để theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, cũng như thời gian để bón phân và lượng phân bón, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài ra, khi chăm sóc khóm theo quy trình VietGAP chỉ sử dụng phân hữu cơ, điều này làm cho đất thêm màu mỡ, lại giảm công chăm sóc rất nhiều.
Ông Lê Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Trồng khóm theo mô hình sản xuất VietGAP giúp sản phẩm khóm có chất lượng đồng đều, đẹp mắt, giải quyết đầu ra đồng loạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường, sức khỏe cho bà con.
Ngoài bán trái tươi truyền thống, các sản phẩm từ khóm cũng được phát triển thêm, như sấy khô, nước ép, bánh kẹo tiêu thụ trong thị trường nội địa và xuất khẩu khóm thái lát phơi khô, mứt khóm, bánh khóm...
“Khóm Tắc Cậu không chỉ đem lại giá trị về mặt kinh tế, nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn giúp phát triển thương hiệu đặc trưng nổi tiếng, nét đặc sắc trong văn hóa, du lịch của Châu Thành”, ông Giàu nói.
Ảnh DSCN 7144 JPG: Anh Hồ Văn Đảo, ngụ ấp An Lạc, xã Bình An, thu hoạch khóm Tắc Cậu, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm phát triển, cho sản lượng và chất lượng khóm hơn hẳn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.