| Hotline: 0983.970.780

Khóm Cầu Đúc trúng giá

Thứ Ba 23/06/2020 , 06:35 (GMT+7)

Hạn hán, xâm nhập mặn gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nhưng với vùng khóm (dứa) Cầu Đúc vốn nhiễm phèn, mặn ở Hậu Giang thì bà con rất phấn khởi.

Giám đốc Hợp tác xã trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), ông Lâm Trường Thọ (trái) phấn khởi cùng với nông dân trồng khóm Cầu Đúc.

Giám đốc Hợp tác xã trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), ông Lâm Trường Thọ (trái) phấn khởi cùng với nông dân trồng khóm Cầu Đúc.

Khóm Cầu Đúc là một trong những cây trồng chủ lực của Hậu Giang có diện tích khoảng 1.600 ha, trồng tập trung ở 2 xã Tân Tiến và Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) và xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), năng suất trung bình 15 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 26.000 tấn/năm. Khóm Cầu Đúc từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nhờ vị ngọt thanh.

Những ngày này, người trồng khóm Hậu Giang tất bật thu hoạch cuối vụ khóm. Theo ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc Hợp tác xã trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), thời tiết thời gian qua rất thuận lợi cho cây khóm phát triển, nhờ vậy sản lượng và chất lượng khóm năm nay hơn hẳn các năm trước.

Khóm loại 1 (từ 1 kg/trái trở lên) được thương lái mua tại rẫy với giá 10.000 – 11.000 đồng, khóm trái nhỏ cũng ở mức 6.500 đồng/trái, tăng khoảng 2 lần so với các năm.

Với mức giá này sau khi trừ chi phí nông dân có thể thu lợi nhuận 50 – 60 triệu đồng/năm/ha. Bởi năng suất khóm thường đạt từ 1,8 nghìn – 2 nghìn trái/công/năm (tương đương khoảng 15 – 18 tấn/ha/năm).

“Để bán khóm được giá cao, nhiều năm nay, người trồng khóm Cầu Đúc chọn cách để khóm rải vụ, trong đó tập trung vào mùa nghịch nên năm nào cũng có lợi nhuận cao.

Năm nay, thị trường tiêu thụ khóm rất thuận lợi và giá bán ổn định ở mức cao, nên người trồng khóm có nguồn thu nhập hấp dẫn”, ông Thọ nói.

Chở khóm Cầu Đúc về địa điểm tập trung thu mua.

Chở khóm Cầu Đúc về địa điểm tập trung thu mua.

Xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) là vùng đất nhiễm phèn và bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi. Chính vì vậy, nhiều nông dân nơi đây chọn cây khóm Cầu Đúc là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Đang tất bật thu hoạch khóm, ông Lâm Ngọc Quang ở ấp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến), phấn khởi nói: “Năm nay trúng lớn rồi vì giá khóm ở mức cao, hơn tháng nay, giá tăng lên vùn vụt và đang ở mức ngất ngưởng, trung bình khoảng 11.000 đồng/trái, chi phí chỉ từ 3.000 – 4.000 đồng/trái.

Gia đình tôi có khoảng hơn 1ha khóm, với diện tích này tôi trồng khá thưa, chỉ khoảng 17.000 bụi, trong khi trung bình các hộ khác trồng từ 20.000 – 25.000 bụi/ha. Với cách trồng này, trái khóm to, đẹp hơn và ở đợt thu hoạch sau vẫn còn giữ được chất lượng trái tốt”.

Nhiều hộ nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm phát triển, nên sản lượng và chất lượng khóm năm nay hơn hẳn các năm trước.

Nhiều hộ nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm phát triển, nên sản lượng và chất lượng khóm năm nay hơn hẳn các năm trước.

Điều đáng mừng hơn là ba năm gần đây, đầu ra sản phẩm ổn định nên nông dân yên tâm đầu tư, mở rộng diện tích trồng khóm; đồng thời chính quyền địa phương cũng xác định khóm là cây kinh tế chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập…

Bên rẫy khóm đang thu hoạch, bà Trần Thị Thảnh, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) phấn khởi cho biết: “Tôi đang thu hoạch hai công khóm, số lượng khoảng 1.500 trái. Mọi năm, khóm chỉ có giá trong vòng nửa tháng rồi giảm, năm nay vụ thuận mà, giá khóm ở mức cao suốt 2 tháng, khiến bà con phấn khởi, mong khóm mau chín để thu hoạch.

Tính ra đợt này sẽ thu được lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng và đây là năm thứ ba liên tiếp gia đình tôi có tiền lời cao từ bán khóm".

"Không riêng gì tôi mà hầu hết người trồng khóm xứ này đều áp dụng phương pháp xử lý khóm cho trái nghịch vụ và chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm, thay vì tập trung vào một mùa thuận như kiểu trồng truyền thống. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao”, bà Thảnh chia sẻ thêm.

Niềm vui của bà Trần Thị Thảnh, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), vì năm nay vụ thuận mà giá khóm ở mức cao.

Niềm vui của bà Trần Thị Thảnh, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), vì năm nay vụ thuận mà giá khóm ở mức cao.

Còn ông Võ Văn Chín, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ trồng một ha khóm bộc bạch: “Tôi gắn bó với cây khóm gần 50 năm, cũng giống với những loại cây trồng khác, giá khóm thường bấp bênh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để xử lý khóm nghịch vụ và xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc nên giá bán ngày càng tăng cao và ổn định”.

Nhằm giúp người trồng khóm tiếp tục an tâm gắn bó với cây trồng có thế mạnh này của tỉnh, đồng thời để thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang ngày càng vươn xa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng khu du lịch sinh thái khóm Cầu Đúc nhằm thu hút nhiều khách du lịch để có thể quảng bá thương hiệu.

Hiện không chỉ có du khách trong nước mà còn có không ít du khách ngoài nước tìm đến. Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá khóm trong những năm gần đây ổn định ở mức cao, góp phần đắc lực cho công tác xây dựng NTM tại địa phương.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.