| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị ngành tôm hướng đến xuất khẩu

Thứ Ba 05/09/2023 , 14:49 (GMT+7)

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc phục tính mùa vụ trong nuôi tôm tại Quảng Ninh dần đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước hướng đến xuất khẩu.

Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh sản xuất thành công giống tôm chịu lạnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh sản xuất thành công giống tôm chịu lạnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sản xuất thành công giống tôm chịu lạnh

Tỉnh Quảng Ninh mang đặc thù khí hậu điển hình của miền núi phía Bắc với các mùa trong năm khác nhau rõ rệt, mùa đông nền nhiệt rất thấp. Đặc thù này khiến hoạt động nuôi tôm vụ đông hiện rất khó khăn, bởi ở ngưỡng nhiệt độ 20 độ C, tôm đã chậm lớn, ăn ít, giảm sức đề kháng. Với nền nhiệt từ 16 độ C trở xuống, tôm có thể bỏ ăn hoàn toàn, suy kiệt và chết do đói rét. Chính vì vậy, nuôi tôm vụ đông luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại.

Để phát huy thế mạnh về nuôi tôm, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất con giống đáp ứng nhu cầu nuôi. Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh là đơn vị tiên phong đầu tư dự án Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Đầm Hà, cùng với các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất con giống chất lượng cao.

Theo đại diện Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, con tôm giống của công ty ngay từ đầu đã chú trọng về tăng trưởng, tỷ lệ sống, sức đề kháng, khả năng sinh sản... phù hợp với nhu cầu sản xuất và đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Trong đó, khả năng thích nghi tốt với điều kiện “nhiệt độ thấp và độ mặn thấp” luôn được quan tâm nghiên cứu để tiếp tục nâng cao hơn nữa. Cụ thể, bằng việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc để có những lứa con tôm bố mẹ (tôm giống) giữ được những tính trạng thích nghi tốt với khí hậu lạnh, phù hợp với thời tiết mùa đông của miền Bắc.

Qua nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm ngặt, năm 2021, Công ty bắt đầu đưa ra thị trường giống tôm mới là VUS LEADER 21 có tốc độ tăng trưởng cao hơn 10%, sức đề kháng mạnh hơn để phù hợp với điều kiện môi trường. Đồng thời, một giống tôm khác nổi trội về chống chịu lạnh, phù hợp nuôi trong khí hậu lạnh của mùa đông tại Quảng Ninh được thử nghiệm từ tháng 11/2021 và đưa ra thị trường vào cuối năm 2022.

Cụ thể, trải qua quá trình chọn lọc nhiều lần, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đã lần lượt tìm ra những cá thể tôm bố mẹ mang gen trội về chịu lạnh, lấy mã gen này phục vụ công tác nhân giống, rồi trải qua quá trình chọn lọc lứa này qua lứa khác. Mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm chịu lạnh ưu thế nhất, đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển trong mùa đông.

Khác với con tôm giống thông thường, tôm giống chịu lạnh đòi hỏi thích ứng với môi trường không khí, nước, nhiệt độ, độ mặn, pH… đặc thù của mùa đông lạnh giá và kéo dài ở Quảng Ninh nói riêng và ở các tỉnh phía Bắc nói chung.

Bằng những giải pháp sản xuất hiệu quả trong vụ đông, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả xuyên suốt cả năm thay vì phải “nghỉ đông”, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư. Nguồn lao động và thu nhập quanh năm cho trang trại cũng sẽ được đảm bảo ổn định, nâng cao sản lượng, giá trị ngành hàng tôm của tỉnh.

Từ việc chủ động áp dụng công nghệ để làm chủ được nền nhiệt, điều tiết được nguồn nước cấp phù hợp, sử dụng giống tôm chịu lạnh, ngày càng có nhiều người dân nuôi tôm vụ đông. Hiện nay, diện tích nuôi tôm vụ đông của tỉnh Quảng Ninh là 400ha, tăng 300% so với năm 2021-2022. Sản lượng tôm vụ đông 2022 - 2023 đạt 7.200 tấn, tăng 500% so với năm 2021-2022.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc phục được tính mùa vụ trong nuôi trồng thủy sản, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu của người nuôi tôm trên địa bàn, qua đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phục vụ ngành chế biến, từng bước hướng đến xuất khẩu. Đây là nền tảng quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Giống tôm chịu lạnh giúp người nuôi an tâm tăng vụ trong năm. Ảnh: Đinh Mười.

Giống tôm chịu lạnh giúp người nuôi an tâm tăng vụ trong năm. Ảnh: Đinh Mười.

Nâng cao giá trị ngành tôm

Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, với trên 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km, có 40.000 ha bãi triều và trên 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú.

Điều này giúp cho Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất tôm và nuôi biển, với diện tích nuôi lớn. Thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN…

Hiện tỉnh Quảng Ninh có dịch vụ logistic là điểm trung chuyển xuất khẩu thủy sản của tỉnh nói riêng cũng như của các địa phương khác trên toàn quốc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, thị trường Trung Quốc giàu tiềm năng chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.

Tính đến năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm đạt 7.500 ha (bao gồm tôm thể chân trắng và tôm sú), trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 4.700 ha, sản lượng đạt hơn 23 nghìn tấn; năng suất nuôi tôm đạt trung bình 3,1 tấn/ha, tăng 1,8 tấn/ha so với năm 2013. Tuy nhiên, năng suất trung bình trong nuôi tôm công nghiệp ở Quảng Ninh nằm trong nhóm thấp so với các tỉnh trọng điểm tôm phía Bắc.

Ngoài ra, nghề nuôi tôm của tỉnh cũng đang gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu; tác động môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; chính sách biên mậu về nhập khẩu tôm nuôi của Trung Quốc có nhiều thay đổi; diện tích nuôi quảng canh còn khá lớn.

Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi còn ở mức khiêm tốn, hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi mô hình nuôi tôm chưa thật sự lớn, chưa khai thác hết phần diện tích có khả năng phát triển.

Nuôi tôm công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nuôi tôm công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo các chuyên gia nhận định, nghề nuôi tôm và nuôi biển của Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao giá trị kinh tế theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý. Cũng chính vì vậy mà trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, nâng tầm ngành tôm Quảng Ninh.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.

Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư, các mô hình sản xuất theo chuỗi, ưu tiên cho khâu chế biến, hỗ trợ cao nhất cho các cụm công nghiệp chứa các cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt, chuyển đổi vật liệu nuôi trồng không bền vững sang vật liệu thân thiện với môi trường.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP thủy sản Tân An, cho biết, đơn vị đang từng bước chuyển đổi, áp dụng các công nghệ, khoa học mới hiện đại để đưa vào quá trình nuôi trồng thủy sản. Kết quả, từ một mô hình nuôi tôm năng suất chỉ có 20 tấn/ha đến nay đã đạt 140 tấn/ha, mang lại thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, Quảng Ninh hướng đến tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác thủy sản, nhất là tập trung nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao.

“Chúng tôi tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thủy sản, xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết, bảo đảm con giống rõ nguồn gốc, thích nghi điều kiện môi trường nuôi”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tính đến năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Ninh đạt 7.000ha (bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú), trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 4.700ha, sản lượng đạt hơn 23 nghìn tấn; năng suất nuôi tôm đạt trung bình 3,1 tấn/ha, tăng 1,8 tấn/ha so với năm 2013.

Có thể khẳng định trong giai đoạn 2013-2022 thực hiện Nghị quyết 13, nghề nuôi tôm Quảng Ninh có những bước tiến bộ đáng kể. Diện tích nuôi tôm toàn tỉnh năm 2022 giảm 18,2% so với năm 2013, nhưng diện tích chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp đã tăng lên rõ rệt, nhờ đó sản lượng tôm nuôi năm 2022 đã tăng 246% so với năm 2013.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm