Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu thế mạnh sẵn có trong sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, dải bờ biển dài 250km, có 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú.
Để duy trì sản lượng đánh bắt cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong khoảng 10 năm gần đây tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển kinh tế biển.
Trong đó, nuôi biển là lĩnh vực được quan tâm, chú trọng, đóng góp mạnh mẽ vào việc thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tỉnh đồng thời đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng, đây cũng là điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chọn Quảng Ninh là nơi để phát triển thủy hải sản.
Cùng với đó, hàng loạt giải pháp theo hướng “tăng nuôi trồng, giảm khai thác” đã được tỉnh chú trọng áp dụng như tập trung khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh.
Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi trồng, khai thác thủy sản tại hầu hết các địa phương ven biển, trong đó chú trọng đến những vùng trọng điểm, có số lượng lớn tàu thuyền thường xuyên neo đậu, có hoạt động khai thác, nuôi trồng như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.
Trong lĩnh vực nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá song, chim vây vàng, hàu Thái Bình Dương... Tuy nhiên, để phát triển nuôi biển bền vững, dịch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng, được ưu tiên hàng đầu.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10, khi thời tiết nắng nóng kéo dài và những lúc giao mùa là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi. Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành mỗi tháng lấy mẫu bệnh trên các loài nhuyễn thể, cá biển một lần để theo dõi tình hình dịch bệnh, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để giúp người nuôi yên tâm hơn.
Cuối tháng 7 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành lấy mẫu của hàu và cá biển trên địa bàn phường Cẩm Đông, Cẩm Trung (TP Cẩm Phả) và xã Đông Xá (huyện Vân Đồn). Một tuần sau đó, kết quả không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Perkinsus marinus và Perkinsus olseni trên nhuyễn thể và virus gây bệnh hoại tử thần kinh của cá biển. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa xuất hiện ổ dịch bệnh trên hàu, cá biển.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang tích cực thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản.
Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loài thủy, hải sản đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường. Đặc biệt, hướng đến quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, đẩy lùi tình trạng người dân tự phát trong nuôi trồng thủy hải sản, ngành ngành nông nghiệp còn phối hợp với các ngành chức năng rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng nuôi trồng thủy sản theo từng loài nuôi cụ thể, xây dựng phương án giao khu vực biển theo quy định Nghị định 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ.