Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus gây ra và dễ lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Tình hình bệnh dại trên địa bàn Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ổ dịch dại trên chó tại khu vực miền núi. Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo thấp, thói quen nuôi chó thả rông nên nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người cao. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh dại.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 5 ổ dịch trên chó tại huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và huyện Ba Chẽ. Số ổ dịch trên chó tăng so với cùng kì năm 2022, trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong do dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà.
Huyện Bình Liêu xuất hiện 2 ổ dịch dại, cụ thể, ổ dịch tại thị trấn Bình Liêu xảy ra vào cuối tháng 3/2023, 1 người bị chó dại chạy rông cắn vào tay, đã được tiêm phòng dại và huyết thanh đầy đủ.
Ổ dịch tại thôn Sú Cáu, xã Húc Động, Bình Liêu xuất hiện vào ngày 30/6, chó nhà nuôi bị mắc bệnh dại cắn 1 người và 1 số con vật khác. Nạn nhân bị đa vết thương, được tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu.
Những người còn lại có nguy cơ mắc dại do tiêu hủy động vật ốm, chết, sơ cứu bệnh nhân, đều được chỉ định tiêm 5 mũi vacxin. Đàn chó tại xã Húc Động được tổ chức tiêm phòng 36/56 con, số chó còn lại không bắt được để tiêm. Tổng số người phơi nhiễm là 86 trường hợp đã được khám xử lý vết thương và tiêm phòng đầy đủ.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết, do thói quen nuôi chó thả rông của người dân (trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số) khiến công tác tiêm phòng dại trên chó, mèo gặp nhiều khó khăn.
"Các xã đã thành lập tổ tiêm chủng, vây bắt chó thả rông để nhanh chóng xử lý các ổ dịch dại. Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình nhốt chó, không thả rông và đeo rọ mõm cho chó", bà Hương chia sẻ.
Cũng theo bà Hương, hiện chó thả rông ở địa hình đồi núi nên việc vây bắt gặp nhiều khó khăn, thậm chí chính chủ chó cũng không tiếp cận được. Cùng với đó, công tác vận động, tuyên truyền người dân tiêm phòng dại cho chó được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng tỉ lệ chấp hành chưa cao, hiện chỉ 67% tổng đàn chó được tiêm phòng.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, cho biết, để phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, đồng thời, không thả rông chó, mèo mà phải xích, nhốt; nếu chó ra đường phải được rọ mõm.
Cùng với đó, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm với bệnh dại.
Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại, ngày 9/5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 1066/UBND-NLN3 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với cơ quan thú y địa phương tổ chức tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn thực tế, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung trong các tháng, tránh bỏ sót chó, mèo.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2026 có 1 vùng an toàn dịch bệnh dại.