Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT)… Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng…
Anh Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT cho biết: Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc, nâng tầm nông sản Việt” nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của đoàn viên, thanh niên 2 Bộ.
Đồng thời, giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn những quy định về hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản phân phối trong nước và xuất khẩu. Qua đó, chủ động ứng dụng công nghệ, KH-KT để tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ những thông tin tổng quan về hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản; về Tiêu chuẩn GS1, Tiêu chuẩn Quốc gia về truy xuất nguồn gốc; những quy định trong xây dựng và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; những kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN-PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang chia sẻ: Muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, việc minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Bởi lẽ, chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì sản phẩm nông nghiệp mới thể hiện được trách nhiệm với người tiêu dùng và có cơ hội vươn xa.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn rất nhiều người sản xuất có suy nghĩ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bị thanh tra, kiểm tra, bắt buộc phải làm, dẫn tới việc thực hiện một cách chống đối, làm lấy lệ mà không biết rằng đây là suy nghĩ hết sức sai lầm.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tiến hành trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề về truy xuất nguồn gốc, những mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả… Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò xung kích của thanh niên trong việc lan tỏa, tham gia hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam.