Nâng cao thu nhập trên cùng diện tích
Anh Nguyễn Hoàng Khải là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp khóm Thạnh Xuân (xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đã mạnh dạn chuyển từ chuyên lúa sang canh mô hình vườn khóm kết hợp nuôi thủy sản, giúp tăng thu nhập. Với sự hỗ trợ của công nghệ, những xã viên trồng khóm ở đây không còn vất vả nhiều như trước. Họ có thể ngồi trong nhà điều khiển hệ thống tưới phun tự động cho từng liếp khóm và chỉ mất vài mươi phút cho một đợt tưới. Trồng khóm trên nền đất lúa nên buộc phải lên liếp chống ngập, hình thành những đường mương nước. Tận dụng diện tích này thả thêm cá nước ngọt, nông dân sẽ tăng thêm thu nhập.

Hiện diện tích trồng khóm của hợp tác xã đều nằm trong vùng đê bao, nguồn nước được kiểm soát tốt nên không bị mặn xâm nhập, nuôi cá nước ngọt hiệu quả, mà cây khóm cũng phát triển tốt. Ảnh: Trung Chánh.
Đến nay, cây khóm trồng đã hơn 12 tháng và đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo anh Khải, dự kiến đợt đầu tiên diện tích 1,6 ha đất trồng khóm của gia đình sẽ cho thu hoạch từ 1.500 – 1.600 trái. Tiếp theo sau đó khoảng 40 ngày, sẽ thu rộ khoảng 3.000 – 4.000 trái nữa. Khóm mới trồng (khóm tơ) và được canh tác đúng kỹ thuật nên tỷ lệ trái loại I (từ 1kg/trái trở lên) rất cao, chiếm 85-90%, bán được giá cao. “Giá khóm hiện nay thương lái thu mua tại vườn là 7.500 – 8.000 đồng/trái loại I, dự kiến vụ khóm đầu tiên này sẽ mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng. Cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây”, anh Khải phấn khởi cho biết.
Ngoài cây khóm, anh khải còn trồng thêm cây bồn bồn và thả cá nuôi cá sặc rằn ở đường mương nước, lấy ngắn nuôi dài, vừa có rau sạch giúp cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm thu nhập. Anh Khải cho biết, hiện diện tích trồng khóm của hợp tác xã đều nằm trong vùng đê bao, có đường bê tông nội đồng thuận lợi, nguồn nước được kiểm soát tốt nên không bị mặn xâm nhập, nuôi cá nước ngọt hiệu quả, mà cây khóm cũng phát triển tốt.

Vừa đi chăm vườn khóm, anh Khải vừa rải cám xuống đường mương cho cá ăn và kỳ vọng sẽ có thu nhập cao từ sự kết hợp giữa trồng khóm và nuôi cá. Ảnh: Trung Chánh.
Trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản là mô hình sinh kế được tỉnh Hậu Giang hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhằm thích ứng với điều kiện nguồn nước được kiểm soát, nằm trong vùng hưởng lợi từ dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Anh Lê Tuấn Cảnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp khóm Thạnh Xuân, đơn vị mới được thành lập từ đầu năm 2020, có 9 thành viên với diện tích 10 ha. Từ một vùng đất được đánh giá xấu, nhiễm phèn nặng, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sử dụng vi sinh để cải tạo, giúp cây khóm phát triển tốt. Hơn nữa, việc dùng vôi đả xử lý nguồn nước nuôi cá cũng giúp cải tạo tốt môi trường, mang lại lợi ích kép.
Nhân rộng mô hình ra toàn xã
Theo vị Giám đốc trẻ Lê Tuấn Cảnh, nhờ có thệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nên hiện nay tình hình xâm nhậm mặn đã được kiểm soát tốt. Nồng độ mặn giảm và thời gian mặn xâm nhập cũng rất ngắn, chỉ khoảng 2-3 ngày là hết. Trong khi trước đây, mùa khô mặn xâm nhập vào khu vực này kéo dài tới 1-2 tháng, cây khóm cũng khó phát triển vì thiếu nước tưới. Còn cá thì không thể sống nổi vì bị sốc nước mặn. Giờ thì cả khóm và cá đều phát triển tốt, nên cho thu nhập cao hơn hẳn.

Hệ thống tưới phun mưa tự động giúp nhà vườn giảm công lao động và chăm sóc vườn khóm hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.
Tới đây hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua khóm cho bà con xã viên và liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến khóm, giúp giải quyết bài toàn đầu ra thuận lợi cho nhà vườn. “Chúng tôi mong muốn nhân rộng mô hình khóm kết hợp thủy sản ra toàn xã, để có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng đồng đều vì áp dụng cùng quy trình sản xuất. Từ đó, việc liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sẽ thuận lợi hơn, nâng cao thu nhập cho xã viên”, anh Cảnh kỳ vọng.
Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, trồng khóm kết hợp thủy sản là 1 trong 4 mô hình sinh kế được tỉnh triển khai thực hiện trong vùng hưởng lợi từ dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Với mục tiêu là nâng cao thu nhập cho người dân từ mô hình sản xuất truyền thống, thông qua việc nâng cao năng suất cho vườn khóm trên đất phèn mặn. Đa dạng sinh kế bằng cách kết hợp nuôi thủy sản trên diện tích đất trồng khóm bằng cách tận dụng đường mương nước để nuôi cá dày, cá sặc rằn, cá thát lát…

Anh Khải dự kiến trong mùa thu hoạch đầu tiên của vụ khóm tơ sẽ mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây. Ảnh: Trung Chánh.
Nông dân tham gia sẽ được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư ba đầu như khóm giống, cá giống, phân bón hữu cơm chế phẩm sinh học… Nông dân sẽ đối ứng phần chi phí đầu tư còn lại và được hưởng toàn bộ sản phẩm thu được từ thành quả lao động của mình. Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ trang thiết bị tươi tự động, xây dựng nhà kho chứa vật tư nông nghiệp theo quy cách để đạt chứng nhận VietGAP, xây dựng quy trình truy nguồn gốc nông sản khi thương mại hóa sản phẩm.
“Trong đó, sẽ xây dựng mô hình điểm để gia tăng thu nhập từ cây khóm bằng cách áp dụng kỹ thuật, tận dụng tối đa diện tích đất một cách hợp lý để nuôi thêm các loại cá nước ngọt. Dự kiến toàn tỉnh sẽ nhận rộng mô hình này đạt 1.000 ha và lợi nhuận đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện trạng ban đầu”, ông Thắng cho biết.