25/26 hồ chứa đảm bảo an toàn
Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đang quản lý 26 hồ chức nước (trong đó có 17 hồ chứa lớn); 4 đập dâng; 23 nhà quản lý trạm bơm; 10 cống ngăn mặn, giữ ngọt cùng hàng trăm km kênh chính và hàng nghìn km kênh cấp 1… tại 7 huyện, thị xã gồm: Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân và Hồng Lĩnh. Diện tích tích tưới bình quân hàng năm đạt trên 52.000ha; diện tích tiêu trên 14.000ha.
Nhờ tăng cường tính kỷ luật trong quá trình vận hành nên 25/26 hồ đập do Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý đang đảm bảo an toàn. |
Trong quá trình quản lý vận hành hàng chục năm qua, để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, ngoài việc dành nguồn lực gia cố các vị trí có dấu hiệu xuống cấp, sau khi kết thúc tưới vụ HT hàng năm, cán bộ, công nhân viên họp lại rút kinh nghiệm những việc chưa làm được, đồng thời, căn cứ tình hình dự báo thời tiết sang năm và dung tích nước tại các hồ chứa để xây dựng quy trình điều tiết cụ thể đến từng hồ.
“Nhờ sự chủ động trong mọi tình huống nên kể từ năm 2013 đến nay, tại các địa phương ký hợp đồng dùng nước với Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chưa xảy ra đợt hạn hán nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Điều quan trọng là 25/26 công trình hồ đập về cơ bản đều đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Cty nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, từ trước đến nay, vai trò, ý thức kỷ luật của cán bộ kỹ thuật vận hành công trình luôn được Cty đặt lên hàng đầu. Cty luôn thưởng – phạt phân minh và nghiêm khắc.
“Chúng tôi gắn trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công việc thông qua cơ chế tiền lương. Tức là, mỗi tháng chúng tôi phát động công nhân lao động, cắt cỏ, vệ sinh hệ thống kênh mương; trang thiết bị máy móc trong vòng 5 – 7 ngày. Đến ngày 25 - 30 thì 2 đoàn lãnh đạo đi nghiệm thu, đánh giá hiệu quả lao động để xếp lương. Lao động nào hoàn thành tốt nhiệm vụ được thưởng 5% lương; lao động hoàn thành nhiệm vụ hưởng 100% lương và lao động yếu, bị nhắc nhở trừ 5% lương”, ông Phúc nhấn mạnh.
Tiêu chí đánh giá có 4 nội dung chính là: Quản lý tưới; duy tu bảo dưỡng công trình; thực hiện nội quy Cty; hợp đồng và nghiệm thu tưới tiêu.
Vi phạm hành lang an toàn thủy lợi đang phổ biến
Mặc dù công tác đảm bảo an toàn hồ đập không có gì đáng ngại nhưng những năm gần đây, Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh rối như tơ vò vì không thể xử lý triệt để các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình hồ đập, kênh mương.
Tuy nhiên, thực trạng vi phạm hành lang công trình thủy lợi lại đang gặp phải nhiều khó khăn trong công tác xử lý. |
Cụ thể, hiện đang có 7 hồ, 4 trạm bơm, 2 cống bị các doanh nghiệp và hàng chục hộ gia đình lấn chiếm bằng các hình thức như: trồng cây lâu năm trên hồ Vực Trống, hồ Trại Tiểu (huyện Can Lộc); lấn chiếm lòng hồ Cửa Thờ (Can Lộc); xây dựng công trình chăn nuôi trên hành lang bảo vệ công trình hồ Khe Hao (Can Lộc); xây dựng hàng rào bên hành lang tràn hồ Cồn Tranh (Nghi Xuân); lấn chiếm hành lang kênh chính để làm nhà ở, đào ao nuôi cá trên các trạm bơm Đập Đình, Lam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh); trạm bơm 1 Nghi Xuân…
Ông Nguyễn Hữu Phúc cho hay, để giải quyết những vi phạm trên, Cty đã nhiều lần phối hợp chính quyền địa phương làm việc với các hộ gia đình nhưng chưa xử lý được. Nguyên nhân chính là do các vụ việc vi phạm hầu hết do lịch sử để lại, một phần nữa nhiều hộ dân chống đối, cố tình không thực hiện giải tỏa theo đúng quy định.
Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho rằng, sự vào cuộc của các đơn vị cấp tỉnh đối với công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn thủy lợi rất quyết liệt. Tuy nhiên, khi triển khai, yêu cầu chính quyền các địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý công trình xử lý thì lại đang hạn chế.
“Một số địa phương do yếu tố khách quan, tồn đọng lịch sử thì không bàn nhưng có những huyện như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Khê lặp đi lặp lại các vi phạm chính như tập kết rác trên kênh, công trình hồ đập; xây dựng, cơi nới hàng rào trên hành lang an toàn công trình… vẫn không được xử lý triệt để, tạo tiền lệ xấu trong công tác thực thi pháp luật”, ông Hợi nhấn mạnh thêm.
Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh: “Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh là một trong những đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong việc bảo đảm an toàn công trình hồ đập và vận hành tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi vẫn còn nhiều bất cập, cần tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất”. |