| Hotline: 0983.970.780

Nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 18/11/2021 , 09:28 (GMT+7)

KHÁNH HOÀ Nhờ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới đến nay thu nhập của người vùng nông thôn ở Khánh Hòa đã được nâng lên đáng kể.

Thu nhập người dân vùng nông thôn tăng lên đáng kể

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là một trong số các mục tiêu xuyên suốt trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM). Minh chứng tại tỉnh Khánh Hòa nhờ thực hiện chương trình này đến nay thu nhập của người dân khu vực nông thôn đã được nâng lên đáng kể.

Xã Ninh Quang, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã khoát cho mình tấm áo mới nhờ xây dựng NTM. Ảnh: KS.

Xã Ninh Quang, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã khoát cho mình tấm áo mới nhờ xây dựng NTM. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đến năm 2019 thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh là 35 triệu đồng/người/năm, tăng 21,6 triệu đồng/người/năm sau 10 năm triển khai xây dựng NTM. Còn đến tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có 61/92 xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập với mức đạt chuẩn theo quy định từ 41 triệu đồng/người/năm.

Cùng với đó đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được phát huy, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chuyên canh; nhiều hàng hóa nông sản được chứng nhận nhãn hiệu và chất lượng.

Người dân vùng nông thôn thu nhập được nâng lên nhờ triển khai việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Ảnh: KS.

Người dân vùng nông thôn thu nhập được nâng lên nhờ triển khai việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Ảnh: KS.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, để đạt chuẩn tiêu chí thu nhập, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế sản xuất khu vực nông thôn.

“Có thể nói chính sách đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Bản chia sẻ và cho biết thêm, chính sách cũng đã hỗ trợ để thực hiện nội dung chăn nuôi tập trung; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất diêm nghiệp và hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển ngành nghề nông thôn.

Tập trung các giải pháp tăng thu nhập cho người dân

Theo ông Bản, thời gian tới, tỉnh xác định mục tiêu chủ yếu trong xây dựng NTM là để đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối với quá trình đô thị hóa. 

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng NTM. Ảnh: KS.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng NTM. Ảnh: KS.

Để đạt mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo xây dựng các giải pháp trọng tâm. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục xây dựng và triển khai đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn các xã xây dựng NTM qua các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể.

Chẳng hạn, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình khuyến nông tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2025;…

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giúp bà con nông thôn nâng cao thu nhập thông qua các đề án, chính sách cụ thể. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giúp bà con nông thôn nâng cao thu nhập thông qua các đề án, chính sách cụ thể. Ảnh: KS.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra giống cây trồng chủ lực, vật nuôi, các giống thủy hải sản mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chống chịu được với biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chế phẩm xử lý môi trường...

Hỗ trợ hình thành các liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị có sự tham gia của doanh nghiệp. Cũng như hỗ trợ các địa phương hướng dẫn, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và khai thác, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đến hết năm 2020, tỉnh Khánh Hòa có 56/92 xã (60,8% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên địa bàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Riêng TP Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.