5 phương tiện đò dân sinh có số hiệu lần lượt: BĐ 1069 của ông Lê Kim Bảo, BĐ 0295.H của ông Lê Văn Giá, BĐ 1086 của ông Huỳnh Minh Châu, BĐ 0298.H của ông Nguyễn Văn Thơm, BĐ 1088 của ông Lê Văn Hiền cùng ở xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) phục vụ tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn-Nhơn Châu đã bị UBND thành phố Quy Nhơn đình chỉ hoạt động từ ngày 29/3/2023, do không đủ điều kiện tái đăng kiểm.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, chủ của 5 chiếc đò dân sinh nói trên phải nâng cấp phương tiện của mình từ hạng SI lên hạng SB để đủ điều kiện tái đăng kiểm. Bởi, phương tiện đò dân sinh hạng SI chỉ được phép hoạt động từ cửa sông trở vào đất liền, hồ, kênh, rạch, đầm phá, vịnh kín… chứ không được hoạt động trên biển; muốn hoạt động trên biển, các phương tiện phải nâng cấp lên hạng SB.
Theo trình bày của chủ phương tiện đò dân sinh mang số hiệu BĐ 0295.H, vào năm 2014, để tạo kế sinh nhai, 4 người dân xã đảo Nhơn Châu hùn tiền mua chiếc đò khách được đóng bằng gỗ vào năm 2005 của 1 ngư dân Quảng Ngãi với giá 450 triệu đồng. Mua về sửa sang để phục vụ tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn-Nhơn Châu tốn thêm 150 triệu đồng nữa.
Theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa do Chi cục Đăng kiểm số 4 cấp, phương tiện nói trên được mang tên Nhơn Châu 01, số hiệu BĐ 0295.H. Phương tiện có đặc tính kỹ thuật và ngăn ngừa ô nhiễm ở trạng thái đáp ứng được các yêu cầu của quy phạm, quy định hiện hành và được cho phép vùng hoạt động SI (vùng từ cửa sông trở vào đất liền, hồ, kênh, rạch, đầm phá, vịnh kín), giấy chứng nhận này có hiệu lực đến ngày 31/12/2022.
Sau khi bị UBND thành phố Quy Nhơn đình chỉ hoạt động, phương tiện này buộc phải được nâng cấp lên hạng SB mới được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo chủ phương tiện BĐ 0295.H, nâng cấp từ hạng SI lên SB phải tốn khoản kinh phí trên 300 triệu đồng để lắp đặt thêm các trang thiết bị, gồm: Bộ đàm, máy vô tuyến, máy định dạng, đèn pha, áo phao, trang bị thêm 1 máy nổ cùng nhiều hạng mục khác.
Sau khi bị đình chỉ hoạt động, các phương tiện đò dân sinh trước đây phục vụ tuyến Quy Nhơn-Nhơn Châu đành phải neo bờ, nằm phơi mình dưới mưa dưới nắng. Những chiếc tàu gỗ kiểu này nếu bây giờ đóng mới phải chi phí đến 2 tỷ đồng, nếu mua tàu cũ sửa sang lại ít nhất cũng tốn 600 triệu đồng/chiếc. Đối với ngư dân xã đảo nghèo thì đây là những khoản tiền “khổng lồ”, thế nhưng giờ nằm bất động.
UBND thành phố Quy Nhơn gia hạn thời gian nâng cấp cho 5 phương tiện đò dân sinh đang bị đình chỉ hoạt động là 6 tháng (kể từ ngày 29/3/2023), đến nay đã qua gần 3 tháng nhưng chưa có phương tiện nào “rục rịch”, bởi các chủ phương tiện không đủ khả năng chi phí hơn 300 triệu đồng để nâng hạng.
“Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, giờ chúng tôi cũng muốn nâng cấp từ hạng SI lên hạng SB để tiếp tục hoạt động. Nhưng ngư dân xã đảo nghèo không đủ điều kiện để chi phí đến hơn 300 triệu đồng đầu tư nâng cấp, chúng tôi mong Nhà nước các cấp hỗ trợ cho chúng tôi phần nào kinh phí và cho vay lãi suất ưu đãi để chúng tôi có điều kiện nâng cấp phương tiện nhằm kịp phục vụ mùa bão lũ. Mùa biển yên thì các phương tiện ca nô còn phục vụ được, mùa mưa bão có gió cấp 5 ca nô đã không dám đi, còn tàu gỗ chúng tôi cấp 7 cấp 8 vẫn phục vụ tốt vì có thể chạy phăm phăm trên biển”, 1 trong 4 chủ phương tiện đò dân sinh BĐ 0265.H, chia sẻ.