Ở Bangladesh, một đợt nắng nóng nghiêm trọng kéo dài cả tuần đã đẩy nhiệt độ tăng lên tới 43 độ C. Đây là năm thứ hai liên tiếp Bangladesh phải áp dụng biện pháp đóng cửa trường học do nắng nóng khắc nghiệt.
Nhiệt độ tại Bangladesh đang cao hơn mức trung bình hằng năm từ 4-5 độ C. Trong khi đó, rất ít trường học ở Dhaka được trang bị điều hòa, khiến việc học tập tại trường trở nên rất khó khăn. Một số học sinh cho biết, thậm chí khi ở nhà cũng không thể làm bài tập do nhiệt độ quá cao và cả nguy cơ mất điện.
Bộ Giáo dục Bangladesh tuyên bố sẽ mở cửa trở lại các trường học từ tuần tới, bất chấp cảnh báo của Cục Khí tượng rằng nắng nóng chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tại nước láng giềng Ấn Độ, truyền thông đưa tin ít nhất 2 người đã thiệt mạng ở bang Kerala ngày 29/4 vì nghi ngờ bị đột quỵ do nắng nóng, trong khi nước này đang phải vật lộn với một mùa hè oi bức với nhiệt độ tăng vọt lên mức kỷ lục.
Theo đó, một cụ bà 90 tuổi và một người đàn ông 53 tuổi đã tử vong khi nhiệt độ khu vực nam Ấn Độ tăng vọt lên 41,9 độ C, cao hơn gần 5,5 độ C so với mọi năm.
Tình cảnh đóng cửa trường học cũng xảy ra tại Philippines trong bối cảnh đợt nắng nóng dai dẳng quét qua châu Á.
Học sinh tại khoảng 7.000 trường học tại Philippines tuần trước đã chuyển sang học trực tuyến tại nhà vì thời tiết nóng bất thường ở nhiều khu vực do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Kể từ khi đợt El Nino này bắt đầu, cơ quan thời tiết nước này đã dự đoán nhiệt độ sẽ tăng lên mức nguy hiểm, tới 44 độ C.
Chính quyền Myanmar thông báo ghi nhận mức nhiệt 48,2 độ C tại thị trấn Chauk ở tỉnh miền trung Magway trong ngày 28/4, mức nhiệt cao nhất trong tháng 4 tại Myanmar từ khi dữ liệu được thống kê cách đây 56 năm.
Nhiệt độ ban ngày tại hầu hết các vùng ở Myanmar vào giữa tuần trước được ghi nhận ở mức cao hơn 3-4 độ C so với mức trung bình trong tháng 4.