| Hotline: 0983.970.780

Năng suất mía vùng Đông Gia Lai cao nhất từ trước đến nay

Thứ Ba 30/05/2023 , 09:24 (GMT+7)

GIA LAI Niên vụ ép 2022 - 2023, năng suất mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai của Nhà máy Đường An Khê đạt gần 75 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 11 tấn/ha…

Người trồng mía được mùa, được giá

Niên vụ ép 2022 - 2023 của Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi bắt đầu từ ngày 2/12/2022 và kết thúc ngày 11/5/2023.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, trong niên vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy đã thu mua mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai tại các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê với diện tích gần 26.300ha, sản lượng đạt hơn 1,7 triệu tấn. Giá mía tươi Nhà máy thu mua tại ruộng là 1.070.000đ/tấn 10 chữ đường (CCS).

Trong niên vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thu mua hơn 1,7 triệu tấn mía. Ảnh: V.Đ.T.

Trong niên vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) thu mua hơn 1,7 triệu tấn mía. Ảnh: V.Đ.T.

“Niên vụ vừa qua, Nhà máy đã đầu tư trồng mới hơn 8.000ha mía tơ, trong đó có hơn 4.000ha là diện tích mía mở rộng. Do đó, trong niên vụ ép 2023 - 2024 tới đây, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai của Nhà máy sẽ tăng lên gần 29.000ha. Sau khi kết thúc niên vụ ép 2022 - 2023, mưa xuất hiện đều khắp trên toàn vùng nguyên liệu nên toàn bộ diện tích mía tơ, mía gốc đang giai đoạn đẻ nhánh phát triển rất tốt ”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Cũng theo ông Phước, năng suất mía trong vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê trong niên vụ vừa qua đạt gần 75 tấn/ha, cao hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 11 - 12 tấn/ha, đây là mức năng suất cao nhất từ trước đến nay.

“Năm vừa qua thời tiết rất thuận lợi, mưa đều tất cả các tháng trong năm tạo điều kiện cho cây mía phát triển. Thêm vào đó, trong năm vừa qua, người trồng mía ở Gia Lai đầu tư thâm canh cây mía tốt hơn những năm trước đây nên mía cho năng suất cao. Đặc biệt, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất mía trong vùng nguyên liệu năm vừa qua cũng tăng hơn so với những năm trước, nhất là diện tích cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng lớn đạt trên 70%. Tất cả những yếu tố nói trên đã đẩy năng suất mía lên cao”, ông Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ.

Thêm 1 năm nữa người trồng mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai có được niềm vui vừa được mùa vừa được giá. Năng suất mía đạt đến gần 75 tấn/ha là điều mà từ trước đến nay người trồng mía ở đây chưa bao giờ dám nghĩ tới. Hơn nữa, giá thu mua mía nguyên liệu trong niên vụ này cũng ở mức cao, mía mua tại ruộng với giá 1.070.000đ/tấn mía thuần 10 CCS, cao hơn những năm trước hơn 100.000đ/tấn.

Nhiều chính sách đầu tư niên vụ mới

Để chuẩn bị cho niên vụ ép năm tới, căn cứ nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía của người trực tiếp sản xuất và kinh doanh mía với nhà máy, Nhà máy Đường An Khê cũng ban hành chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thu hoạch mía bằng máy liên hợp như những năm trước đây.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, trong niên vụ 2023 - 2024, diện tích vùng nguyên liệu của nhà máy tăng và đạt gần 29.000ha. Nhà máy sẽ đầu tư diện tích mía trồng tơ 3 giống mới gồm Uthoong 11, KK3 và LK92-11; đơn giá đầu tư từ 6 - 12 triệu đồng/ha. Về phân bón, Nhà máy sẽ đầu tư cả diện tích trồng tơ và mía lưu gốc từ 800 - 1.000kg/ha. Về đầu tư làm đất, trồng, chăm sóc mía, đối với diện tích người dân tự làm đất, Nhà máy sẽ đầu tư 2 triệu đồng/ha.

Riêng những diện tích mía được hưởng các chính sách khuyến khích cánh đồng lớn được áp dụng cơ giới hóa của Nhà máy, người trồng mía phải đảm bảo các điều kiện như: Diện tích mỗi điểm sản xuất phải trên 5ha và diện tích mỗi thửa phải trên 2ha; ruộng mía phải tập trung, liền thửa, không có đá, gốc cây, tương đối bằng phẳng, độ dốc dưới 7%.

Hộ trồng mía trong cánh đồng lớn phải thực hiện đầy đủ quy trình canh tác cơ giới hóa của Nhà máy Đường An Khê trong sản xuất từ khâu cày đến trồng và chăm sóc; phải thực hiện ít nhất 1 lần chăm sóc, bón phân bằng máy cơ giới của Nhà máy. Trường hợp ruộng mía không đạt được các điều kiện nêu trên thì không được hưởng các chính sách khuyến khích cánh đồng lớn.

Trên cánh đồng lớn, điểm sản xuất có diện tích từ 5 - 10ha sẽ được Nhà máy Đường An Khê giảm 10% chi phí cơ giới theo đơn giá thi công; điểm sản xuất có diện tích từ 10 - 15ha sẽ được giảm 15%; diện tích trên 15ha sẽ được giảm 20% chi phí theo đơn giá thi công.

Cánh đồng lớn có diện tích mía trên 15ha sẽ được giảm 20% chi phí cơ giới theo đơn giá thi công. Ảnh: V.Đ.T.

Cánh đồng lớn có diện tích mía trên 15ha sẽ được giảm 20% chi phí cơ giới theo đơn giá thi công. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài được giảm đơn giá thi công cơ giới, những diện tích mía thực hiện cánh đồng lớn trong vùng nguyên liệu còn được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ không thu hồi tiền bã bùn, người trồng mía chỉ chịu chi phí bốc xếp và vận chuyển bã bùn về ruộng mía. Định mức bã bùn từ 50 - 70 tấn/ha, tùy thuộc vào từng loại đất đã được nhà máy kiểm tra, xác nhận trong đơn đăng ký nhận bã bùn của người trồng mía”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê chia sẻ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.