| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết giúp vùng mía Đông Gia Lai năng suất đạt tới 120 tấn/ha

Thứ Ba 03/01/2023 , 09:05 (GMT+7)

Cùng với cơ giới hóa đồng bộ, nhờ 'khám sức khỏe' để bồi bổ cho đất, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) đã tăng gấp đôi năng suất mía, có nơi đạt 120 tấn/ha.

Cơ giới hóa đồng bộ, năng suất mía tăng gấp đôi

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê (Gia Lai - đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi): Nhận thấy năng suất mía trong vùng nguyên liệu chỉ đạt bình quân hơn 50 tấn/ha, quá thấp so với tiềm năng, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã chỉ đạo Nhà máy đường An Khê lên kế hoạch cơ giới hóa đồng bộ sản xuất để nâng cao năng suất mía trong vùng nguyên liệu. Từ năm 2012, Nhà máy đường An Khê triển khai cơ giới hóa sản xuất mía từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch trên địa bàn các huyện Đông Gia Lai là: Kbang, Đăkpơ, Kongchro và Thị xã An Khê.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phước nhớ lại, niên vụ trồng mía 2011 - 2012, do mới mẻ quá nên nông dân chưa hưởng ứng việc cơ giới hóa, vì vậy vùng mía Đông Gia Lai mới chỉ có hơn 2.118ha được nông dân áp dụng cơ giới hóa, tập trung ở các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân. Sau khi áp dụng cơ giới hóa ở các khâu nói trên, năng suất mía tăng cao rõ rệt, đến niên vụ 2013 - 2014, diện tích mía được đầu tư cơ giới hóa đã tăng lên hơn 5.359ha. Đặc biệt, người trồng mía nhận thấy ưu điểm trong khâu trồng bằng máy nên đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống, diện tích trồng mía bằng máy tăng từng năm.

“Hiện nay, những cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ năng suất mía đạt bình quân trên dưới 100 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân trước đây 50 tấn/ha; cá biệt có những diện tích đạt năng suất đến 120 tấn/ha. Những diện tích cơ giới hóa chưa đồng bộ năng suất bình quân đạt gần 74 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân trước đây gần 24 tấn/ha”, ông Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ.

Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cơ giới hóa trong sản xuất mía đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người trồng mía trên địa bàn. Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai cơ bản đã cung ứng đủ nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê hoạt động. Khi việc cơ giới hóa trồng mía được nông dân nhân rộng và đầu tư chiều sâu, thì việc mở rộng vùng nguyên liệu đông Gia Lai lên 30.000ha nằm trong tầm tay của Nhà máy đường An Khê.

Cơ giới hóa khâu trồng mía. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ giới hóa khâu trồng mía. Ảnh: V.Đ.T.

Xã Đăk Hlơ, địa phương vùng sâu của huyện Kbang (Gia Lai), nơi có diện tích tự nhiên chỉ 1.995ha nhưng diện tích đất trồng mía chiếm đến 1.400ha, trải đều ở 3 thôn, 1 làng. Trước đây, canh tác cây mía ở Đăk Hlơ đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Theo ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ, cách nay hơn 10 năm, đến vụ trồng mía, trên những cánh đồng vẫn chỉ là cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Tuy nhiên sau khi một số hộ trồng mía tại địa phương đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất, người trồng mía ở Đăk Hlơ thấy việc làm đất trở nên nhẹ nhàng, giảm chi phí mà năng suất tăng cao rõ rệt nên dần dà làm theo. Đến nay, 100% diện tích canh tác mía ở Đăk Hlơ đều thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu trồng, bón phân, thu hoạch.

“Từ khi cơ giới hóa đồng bộ sản xuất, năng suất mía ở Đăk Hlơ tăng từ dưới 50 tấn/ha lên bình quân 70 tấn/ha, tăng hơn 20 tấn/ha. Bây giờ, ngoài máy móc, thiết bị của Nhà mày đường An Khê, nhiều hộ tư nhân ở đây cũng đầu tư mua sắm cối trồng mía, cối vãi phân, máy cày làm đất, máy cày trở, máy bừa, máy kéo hàng để phục vụ cho người trồng mía trên địa bàn.

Cơ giới hóa trong sản xuất đã giúp nông dân trồng mía

Cơ giới hóa trong sản xuất đã giúp nông dân trồng mía ở vùng Đông Gia Lai ngày càng bớt vất vả, và lợi nhuận lại ngày càng tăng cai. Ảnh: V.Đ.T.

Năng suất mía ở Đăk Hlơ tăng cao là còn nhờ nông dân tuân thủ quy trình bón phân để bồi bổ cho đất và nhờ những giống mía mới do Nhà máy đường An Khê đưa ra. Những giống mía như KK3 và Uthong cho năng suất và chữ đường cao nên nông dân được lợi rất nhiều”, ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ chia sẻ.

“Nhờ cơ giới hóa đồng bộ, cây mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai đã cho năng suất, chất lượng cao hơn trước đây; cộng với tiết kiệm được lao động và chi phí sản xuất, nên nông dân có lãi khá. Từ đó, dẫu Nhà máy phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng nhờ giá thành sản phẩm giảm giảm do áp dụng cơ giới hóa, nên đã tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Từ lợi ích đó, mỗi năm Nhà máy đường An Khê đầu tư khoảng 350 tỷ đồng để đầu tư cơ giới hóa, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện Đăk Pơ, Kongchro, Kbang và Thị xã An Khê không tính lãi”, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho hay.

"Khám sức khỏe" để bồi bổ cho đất 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, năng suất cây mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai tăng từ 24 - 50 tấn/ha so với 10 năm trước đây có sự góp phần của việc “bồi bổ sức khỏe” cho đất. Việc  “bồi bổ sức khỏe” cho đất được thực hiện thông qua nghiên cứu dinh dưỡng của đất và những khuyến cáo sử dụng phân bón hợp lý do Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi và Công ty Phân bón Việt Nhật phối hợp triển khai.

Nhân viên Công ty Phân bón Việt Nhật lấy mẫu đất vùng Đông Gia Lai để phân tích. Ảnh: NMĐCC.

Nhân viên Công ty Phân bón Việt Nhật lấy mẫu đất vùng Đông Gia Lai để phân tích. Ảnh: NMĐ.

Sau 4 năm triển khai thực hiện hợp tác chiến lược phát triển vùng nguyên liệu mía ở khu vực Đông Gia Lai, cuối năm 2020, Công ty Phân bón Việt Nhật đã bàn giao bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất cho Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi. Dựa vào bản đồ hiện trạng dinh dưỡng này, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng quy trình canh tác và bón phân phù hợp cho từng loại đất, giúp người trồng mía nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Nhà máy đường An Khê đã nhận được của Công ty Phân bón Việt Nhật 15 bản đồ, trong đó, có 3 bản đồ về lấy mẫu, phân loại đất, hiện trạng sử dụng đất và 12 bản đồ thể hiện hiện trạng dinh dưỡng đất ở các huyện, thị xã với diện tích đánh giá trên 29.463ha.

“Để lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, từ năm 2011, Công ty Phân bón Việt Nhật đã lấy 226 mẫu đất, trong đó có 205 mẫu ghi đầy đủ tọa độ, kết quả phân tích bằng phương pháp nội suy Kriging. Công ty Phân bón Việt Nhật làm báo cáo tóm tắt về phương pháp lấy mẫu, phân tích, phương pháp lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất tại vùng nguyên liệu, từ đó khuyến cáo người trồng mía bón phân phù hợp với từng loại đất, tránh lãng phí, tăng hiệu quả”, ông Phước cho hay.

Nhân viên Công ty Phân bón Việt Nhật phân tích mẫu đất. Ảnh: NMĐCC.

Nhân viên Công ty Phân bón Việt Nhật phân tích mẫu đất. Ảnh: NMĐ.

Thực tế cho thấy, áp dụng bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất vào sản xuất, nông dân giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên mỗi tấn mía, giúp cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thuận lợi hơn. Dựa theo bản đồ dinh dưỡng này, Nhà máy đường An Khê khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hợp lý với từng loại đất để tăng hiệu quả sản xuất.

“Bản đồ hiện trạng dinh dưỡng cho biết vùng đất nào thiếu chất gì để trong quá trình canh tác nông dân bón bổ sung chất ấy. Liều lượng phân bón sử dụng phù hợp, không cho thừa cũng không để thiếu, chỉ đáp ứng đầy đủ cho cây trồng. Giải pháp nói trên giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí bón phân cho cây mía, điều ấy rất có lợi, nhất là trong bối cảnh phân bón tăng giá như hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết.

“Đất trong vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai chủ yếu có độ pH và độ mùn thấp. Đối với những vùng có pH ở mức thấp hơn 5,5 cần bón vôi từ 1.000kg/ha/vụ, các vùng đất có độ pH nhỉnh hơn có thể áp dụng lượng vôi từ 500 - 800kg/ha/vụ.

Về độ mùn, chất hữu cơ trong đất có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và cung cấp dinh dưỡng cho cây mía, đồng thời góp phần cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học cho đất và cũng là một yếu tố quan trọng quyết định độ phì nhiêu của đất. Do đó, những vùng đất có độ mùn thấp chúng tôi hướng dẫn nông dân bón phân hữu cơ hoặc bã bùn do nhà máy cung cấp”, ông Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ thêm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất