| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm chất lượng hồ tiêu Bình Phước

Thứ Năm 31/12/2015 , 06:07 (GMT+7)

Sau 2 năm triển khai, đến nay, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” ở Bình Phước do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) và Sở NN-PTNT phối hợp với Cty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tổ chức, đã hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả khả quan.

Đó là: Tăng năng suất, chất lượng tiêu, thành lập 24 CLB trồng tiêu bền vững với 540 hộ được cấp chứng nhận Rainforest Alliance (R.A).

Từng bước xây dựng thương hiệu

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc TTKNKN cho biết: “Trong những năm gần đây giá tiêu liên tục tăng nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng tiêu từ các diện tích cây trồng kém hiệu quả. Từ năm 2012, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch tăng giá trị hồ tiêu bằng cách phối hợp với công ty Nedspice thực hiện dự án phát triển cung ứng tiêu bền vững. Hiện nay, dự án đang triển khai tại 3 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp với diện tích gần 700 ha".

Để được cấp chúng nhận R.A cho sản phẩm tiêu, phải thực hiện và đạt 10 tiêu chí gồm: Hệ thống quản lý môi trường và xã hội, Bảo tồn hệ sinh thái, Bảo vệ động vật hoang dã, Bảo tồn nguồn nước, Đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động, An toàn sức khỏe nghề nghiệp, Quan hệ cộng đồng, Quản lý mùa vụ tổng hợp, Bảo tồn - Quản lý đất canh tác và Quản lý rác thải tổng hợp.

Tháng 3/2015 vừa qua, dự án đã thuê chuyên gia Công ty Biocert của Indonesia, tiến hành đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu chứng nhận của các CLB tham gia dự án. 2 hạng mục đánh giá là công tác đào tạo, lưu trữ, thu mua sản phẩm tiêu chứng nhận của công ty Nedspice và đánh giá việc thực hành bộ nguyên tắc R.A trên vườn tiêu. Kết quả cho thấy, các hộ tham gia dự án cơ bản tuân thủ theo tiêu chí chủ chốt đề ra, cả 24 CLB đủ điều kiện công nhận sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn R.A lần 2.

Nếu áp dụng trồng tiêu theo lối truyền thống thì vòng đời chỉ 10 năm, nhưng áp dụng theo mô hình của dự án có thể lên đến 20 năm. Các phương pháp canh tác làm giảm độ xói mòn cho đất, tránh rửa trôi, tăng độ phì nhiêu cho đất, duy trì sản lượng ổn định hàng năm. Dự án này giúp cho bà con nhận thức được quy trình trồng tiêu mới bền vững, cho năng suất cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo về công tác xã hội. Đặc biệt, đòi hỏi các hộ tham gia phải đảm bảo vườn tiêu đạt 40% độ che bóng mát bằng trụ sống.

“Trong các nguyên tắc đề ra thì khó nhất với người nông dân là hệ thống quản lý môi trường và xã hội. Khi trồng hồ tiêu cần phải có cây che bóng mát, hệ thống nước, rác và tưới nước thải sinh hoạt... Hàng tháng phải dọn vệ sinh và tỉa tán cành cây che mát cho tiêu. Điều bất cập là nếu dọn mà không đốt thì để cành cây, rác ở đâu khi chôn lấp thì quá nhiều... nên đây là tiêu chí khó đạt nhất của dự án”, anh Phí Thanh Hải, hội viên CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp nói.

Nông dân hào hứng

Anh Bùi Quốc Hai, Chủ nhiệm CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp kể, năm 2012, khi CLB thành lập, người dân cũng đăng ký tham gia nhưng chưa tin tưởng. Sau 2 năm hoạt động, thấy có lợi nên họ đã thay đổi thái độ, tích cực tham gia. Hiện CLB tiêu bền vững xã Hưng Phước có 35 hộ. Các hội viên đều có trên 1.000 nọc tiêu trở lên. Năng suất bình quân từ 4-5 tấn/ha/năm. Bà con rất yên tâm về đầu ra sản phẩm do công ty trực tiếp mua và giá hợp lý, minh bạch.

Ngoài việc đảm bảo sử dụng đúng thuốc bảo về thực vật, Công ty thu mua có thưởng nếu không có dư lượng chất bảo vệ thực vật. Ngoài được hưởng 1.500 đồng/kg so với thị giá trường thì các nông hộ được khuyến khích thêm 3.000 đồng/kg để động viên người bán ngày càng nhận thức, nâng cao ý thức bảo về môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng, tăng thêm nguồn thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Lợi, ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cho biết: “Tham gia dự án tiêu bền vững từ năm 2013, với diện tích 1,6ha. Gia đình tôi có được rất nhiều cái lợi từ việc tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo đúng quy chuẩn của dự án. Trong câu lạc bộ chúng tôi gần 90% sử dụng trụ sống để trồng tiêu. Hiện nay hiệu quả từ trụ sống thấy rõ rệt việc tạo bóng mát, thông thoáng cho đất, tạo đất tơi xốp. Hiện nay vườn tiêu không sử dụng thuốc diệt cỏ như trước kia nữa. Đặc biệt, những phụ phẩm cành, lá tỉa từ cây trụ sống chúng tôi lại xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng để tiêu thụ, sau đó lấy phân bón ngược lại cho cây tiêu”.

Còn ông Trần Chí Thành, Chủ nhiệm CLB xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp bày tỏ: “Khi tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa để hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu, còn được tư vấn cách chăm sóc, phân bón, thuốc phù hợp. Người dân khi giao dịch với công ty rất yên tâm về tính trung thực (cân đúng và đủ), giá cao hơn so với thương lái mua. Dù là tham gia dự án, nhưng nếu muốn, có thể bán nơi khác, không bắt buộc phải bán cho công ty. Sau khi tham gia dự án, tôi thấy rõ hiệu quả dự án bảo vệ, khôi phục môi trường sinh thái tự nhiên vốn có trước đây bà con canh tác quá tùy tiện không nhận ra. Từ các tiêu chí của dự án, chúng tôi sản xuất tiêu đảm bảo chất lượng, tiêu sạch theo đúng quy chuẩn sản xuất tiêu đảm bảo chất lượng để có thể cạnh tranh với thị trường tiêu thế giới”.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.