Sâm Ngọc Linh ngày càng khẳng định được giá trị |
Từ đó, giá trị kinh tế của loại sâm quý này cũng ngày một tăng lên. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng các trang mạng xã hội để rao bán sâm Ngọc Linh giả, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm này.
Hiện nay, trên thị trường sản phẩm sâm Ngọc Linh có giá bán khoảng 220 triệu đồng/kg (loại 7 củ/kg), 130 triệu đồng/kg (loại 10 củ/kg), 90 triệu đồng/kg (loại 20 củ/kg). Với sâm nguyên liệu có giá là 50 triệu đồng/kg (50 củ/kg). Lá sâm tươi có giá là 8 triệu đồng/kg. Được xem là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới và có hàm lượng saponin cao hơn cả sâm Hàn Quốc, nếu sâm Ngọc Linh Việt Nam được quảng bá rộng rãi ra thị trường, giữ được hình ảnh tốt về thương hiệu trong mắt người tiêu dùng thì chắc chắn giá trị sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Với giá trị kinh tế cao nên các đối tượng xấu đã tìm mọi cách để trục lợi như dùng củ tam thất để giả làm sâm Ngọc Linh rồi lên mạng rao bán. Gần đây nhất, tại thủ phủ sâm Ngọc Linh – huyện Nam Trà My (Quảng Nam) công an huyện này đã triệt phá đường dây rao bán sản phẩm sâm giả do đối tượng Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1981, trú thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) thực hiện. Tang vật thu được gồm 134 củ tam thất có trọng lượng 13,2kg và 6,1kg thân lá tam thất bán 113 triệu đồng (loại 10 củ/kg) và 73 triệu đồng (loại 20 củ/kg). Trên thị trường, loại tam thất này có giá chỉ 700 ngàn đồng/kg.
Khai nhận với cơ quan điều tra, đối tượng Anh cho biết mình đã sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) chào bán và liên lạc trực tiếp cho các hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My khẳng định số tam thất của mình là sâm Ngọc Linh được trồng tại thôn 2 xã Trà Linh. Nếu thương vụ lừa đảo nêu trên trót lọt, đối tượng Nguyễn Thị Lan Anh sẽ bỏ túi hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thì trong những năm qua, khi sâm Ngọc Linh khẳng định được giá trị, trên địa bàn huyện này đã xảy ra rất nhiều vụ giả sâm Ngọc Linh để bán ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng của sản phẩm sân Ngọc Linh Nam Trà My.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức từ ngày 1-3 hàng tháng là địa chỉ cung cấp sâm chính gốc tại huyện Nam Trà My |
Trước tình hình đó, huyện này đã chỉ đạo cho lực lượng công an tăng cường công tác nắm thông tin từ xa, tung lực lượng vào theo dõi, truy bắt và xử lý nghiêm các đối tượng bán sâm Ngọc Linh giả. Cùng với đó, huyện cũng vận động người dân trong huyện tham gia tố giác các hành vi buôn bán sâm Ngọc Linh giả để bảo vệ thương hiệu quốc gia cho sâm chính gốc.
Ngoài cách làm này, để bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm sâm Ngọc Linh với người mua, bắt đầu từ năm 2017, huyện Nam Trà My đều tổ chức hội chợ sâm Ngọc Linh từ ngày 1-3 hàng tháng ngay trung tâm huyện. Tại đây, tất cả nguồn sâm nguyên liệu trước khi đưa vào bày bán được Tổ kiểm định kiểm tra từng củ một, đảm bảo không cho bất cứ đối tượng xấu trà trộn những loại củ không phải sâm Ngọc Linh vào.
“Trong phiên chợ sâm có tổ kiểm định, đảm bảo các du khách hoặc người tiêu dùng tới đây chắc chắn 100% sẽ mua được sâm thật. Nếu không phải là sâm thật thì bản thân tôi sẽ chịu trách nhiệm, trả tiền lại cho người mua sâm. Tôi cũng cảnh báo trên thị trường có loại củ tam thất giống sâm Ngọc Linh đến 90% nên người tiêu dùng khó mà nhận biết được. Do đó, muốn mua được sâm Ngọc Linh chính gốc thì tốt nhất là đến phiên chợ để mua”, ông Bửu cho biết.
Cũng theo ông Bửu, sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới nên để người tiêu dùng biết đến sản phẩm này nhiều hơn thì chính quyền cũng như nhân dân huyện Nam Trà My mong muốn Việt Nam sẽ có 1 ngày sâm Việt Nam với mục đích của ngày này là ngày người Việt Nam dùng sâm. “Tôi mong muốn lấy ngày 2/8 hàng năm làm ngày sâm Việt Nam vừa để tuyên truyền cho người dân hiểu biết về giá trị sức khỏe của sâm vừa để tôn vinh được sản phẩm quốc gia”, ông Bửu nói thêm. |