| Hotline: 0983.970.780

'Nếm mật nằm gai' nghiên cứu sâm Lai Châu

Thứ Ba 26/09/2023 , 08:07 (GMT+7)

Hơn 10 năm gắn bó với cây sâm Lai Châu, TS Phạm Quang Tuyến có nhiều duyên nợ với loài cây dược liệu được mệnh danh là 'Quốc bảo' nơi cuối trời Tây Bắc.

Trầy trật nghiên cứu bảo tồn, nhân giống sâm Lai Châu

Với địa hình núi cao trên 1.000m, Lai Châu là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, thảo quả... Trong đó, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mực nước biển. Hiện nay, Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển sâm Lai Châu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị của cây dược liệu quý này. 

TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) - người đã có hơn 10 năm gắn bó với cây sâm Lai Châu. Ảnh: Duy Học.

TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) - người đã có hơn 10 năm gắn bó với cây sâm Lai Châu. Ảnh: Duy Học.

Nhận thấy tiềm năng và giá trị của sâm Lai Châu, Bộ NN-PTNT cũng đã giao Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen cây sâm Lai Châu (Panax vietnamnensis var. Fuscidiscus) vùng Tây Bắc". Đề tài được thực hiện từ năm 2022 - 2024 do TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm. Đến nay, đề tài đã gặt hái được một số kết quả khả quan, mở ra triển vọng lớn trong việc phát triển kinh tế từ cây sâm Lai Châu. 

Trong chuyến công tác Lai Châu, chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng TS Phạm Quang Tuyến về những ấp ủ đưa sâm Lai Châu vươn tầm cao mới. 

TS Tuyến cho biết trong quá trình nghiên cứu về cây sâm Lai Châu, rất may mắn được Sở KH-CN Lai Châu giao thực hiện một đề tài nghiên cứu, điều tra về các loài cây dược liệu quý hiếm ở khu vực Mường Tè. Theo đó, anh đã tình cờ phát hiện một loài cây dược liệu mà người dân gọi là cây tam thất đen, về sau còn được gọi là tam thất Mường Tè hay sâm Lai Châu.

“Chúng tôi đã thu thập những nguồn gen ban đầu của sâm Lai Châu và đặt nền móng đầu tiên để trồng và phát triển loài cây này tại huyện Mường Tè. Đến nay đã lan tỏa ra 4 huyện của tỉnh gồm Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ và Phong Thổ”, TS Tuyến cho biết.

Theo TS Tuyến, trước đây nói về sâm Ngọc Linh ai cũng biết, nhưng nhắc đến sâm Lai Châu thì ít người biết vì đây là loài mới được nghiên cứu. Tuy nhiên, sâm Lai Châu hay sâm Ngọc Linh đều có tên khoa học là Panax vietnamensis. Hiểu một cách nôm na thì hai loài này như là “anh em sinh đôi”.

TS Phạm Quang Tuyến cho biết, việc bảo tồn và nhân giống cây sâm Lai Châu không hề dễ dàng.        Ảnh: Duy Học.

TS Phạm Quang Tuyến cho biết, việc bảo tồn và nhân giống cây sâm Lai Châu không hề dễ dàng.        Ảnh: Duy Học.

Sâm Ngọc Linh phân bố tự nhiên ở khu vực dãy núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam). Còn sâm Lai Châu nằm trên các dãy núi cao như là Pu Si Lung, Pu Sam Cáp thuộc tỉnh Lai Châu.

TS Tuyến chỉ rõ, nhóm nghiên cứu của ông khi phân tích thành phần dược liệu của sâm Lai Châu cơ bản nhận thấy có những thành phần tương đồng với sâm Ngọc Linh, đặc biệt là hàm lượng saponin trong Sâm Lai Châu 6 tuổi trở lên rất cao, có những mẫu sâm lên đến 23 - 25% hàm lượng saponin tổng số.

Điểm đặc biệt nữa là cây sâm Lai Châu sinh trưởng, phát triển rất khỏe, hơn nữa còn có sự đa dạng về nguồn gen, nguồn giống, có rất nhiều loại hình thái và đặc tính khác nhau.

“Với những nguồn gen phong phú, chúng ta sẽ chọn lọc được những giống tốt phục vụ cho việc phát triển cây sâm Lai Châu. Chẳng hạn như những giống kháng bệnh; những giống có hàm lượng dược liệu cao; đặc biệt những giống vừa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, hàm lượng dược liệu cao, vừa có khả năng kháng bệnh sẽ mở ra tiền đề khi ứng dụng vào sản xuất có thể nhân rộng mang tính bền vững hơn”, TS Tuyến nói.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và nhân giống cây sâm Lai Châu không hề dễ dàng. TS Tuyến cho biết với cây sâm Lai Châu, thời gian ngủ đông kéo dài tới 5 - 6 tháng, sau đó phải chăm sóc trong vườn ươm tối thiểu 1 năm mới đủ tiêu chuẩn cây giống đem ra trồng. Đồng thời, trong quá trình trồng cây dưới tán rừng để phát triển lại phải đối mặt với sâu bệnh, động vật phá hại. Đặc biệt, vì đây là loài cây có giá trị kinh tế cao nên việc quản lý, bảo vệ rất khó khăn.

Theo TS Tuyến, việc trồng cây sâm Lai Châu dưới tán rừng tự nhiên kết hợp có mái che nên được khuyến khích. Ảnh: Duy Học

Theo TS Tuyến, việc trồng cây sâm Lai Châu dưới tán rừng tự nhiên kết hợp có mái che nên được khuyến khích. Ảnh: Duy Học

Hơn nữa, sâm Lai Châu có vùng sinh thái ở trên những dãy núi cao, là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí là những đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong nhóm dân tộc ít người phải bảo tồn của Việt Nam. Do điều kiện xa xôi, cách trở, nên việc học hỏi về mặt kỹ thuật cũng như là kinh nghiệm sản xuất còn rất hạn chế.

Khó khăn nữa là việc đi lại để nhân giống và phát triển cây sâm Lai Châu. Có những khoảng thời gian nhóm nghiên cứu của TS Tuyến phải đi bộ cả ngày, đi vào thời điểm mưa triền miên, đường sạt lở rất nguy hiểm...

TS Tuyến trăn trở, để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển cây sâm Lai Châu, rất cần những giải pháp từ cơ quan nhà nước. Nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề để bà con được đào tạo về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Đồng thời cũng tạo điều kiện để những người làm khoa học, những người làm công tác chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ khuyến nông từ cấp tỉnh, huyện có thể đi đến tận nơi để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho bà con...

Khát vọng mở rộng quy mô sản xuất

TS Tuyến chia sẻ câu chuyện trồng sâm ở Hàn Quốc. Theo ông, Hàn Quốc hiện có 3 hình thức canh tác sâm chủ yếu. Thứ nhất là trồng dạng sâm núi, người trồng thả những hạt giống/cây giống vào tự nhiên, chỉ tác động một chút vun xới ban đầu, sau đó để cây mọc tự nhiên, hình thức này tạo ra những cây sâm có giá trị cao. Thứ hai là trồng ở những ruộng sâm tập trung, thu hoạch sản lượng lớn, quy mô công nghiệp để đưa vào làm nguyên liệu. Thứ ba là trồng những cây sâm nhỏ tuổi để làm rau dược liệu theo hình thức công nghệ cao.

Ở Việt Nam, TS Tuyến cho hay, hiện đã có 2 phương thức trồng và phát triển sâm Lai Châu. Một là trồng dưới tán rừng, hai là trồng có mái che, đưa về những khu vực có điều kiện khí hậu mát mẻ, có thể sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghiệp. Tuy nhiên bất kỳ hình thức canh tác nào cũng đều có những mặt trái và thuận lợi riêng.

Sâm Lai Châu ngang ngửa với sâm Ngọc Linh, đều nằm trong tốp những loại sâm tốt nhất thế giới, có giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Duy Học.

Sâm Lai Châu ngang ngửa với sâm Ngọc Linh, đều nằm trong tốp những loại sâm tốt nhất thế giới, có giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Duy Học.

TS Tuyến phân tích, nếu theo phương thức hoàn toàn tự nhiên, tức là gieo hạt trực tiếp vào những khu rừng để cây sâm mọc tự nhiên, điều này giúp các cây sâm phát triển tương tự cây sâm mọc tự nhiên. Phương thức này sẽ giúp sâm đạt giá trị cao, dễ dàng được công nhận theo các tiêu chuẩn dược liệu và được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên sản lượng thấp, lại tốn thời gian đầu tư.

Với phương thức trồng sâm tập trung có mái che, sẽ tạo ra sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, dễ quản lý. Như vậy, để hài hòa trong việc phát triển sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, nhưng vẫn tạo ra được những cây sâm Lai Châu có giá trị cao thì phải từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả cho mỗi phương thức canh tác.

TS Tuyến cho rằng: “Việc trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng tự nhiên kết hợp có mái che nên được khuyến khích, trong đó cần quản lý chặt chẽ về vấn đề sâu bệnh, phải xử lý lớp đất canh tác sạch sẽ trước khi gieo trồng...".

Bên cạnh đó, cần có những hướng dẫn kỹ thuật một cách bài bản thông qua các tài liệu, tập huấn, tuyên truyền để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con thực hiện canh tác cây sâm Lai Châu theo hướng hữu cơ, hướng sinh học. Điều này không chỉ bảo đảm được chất lượng dược liệu của cây sâm, mà còn đáp ứng được yêu cầu cầu sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ sống cao, từ đó đem lại nguồn thu ổn định cho bà con.

Theo TS Phạm Quang Tuyến, với các địa phương không có cây sâm Lai Châu mọc tự nhiên thì có thể sẽ khó phát triển cây trồng này. Nhưng nếu hiểu rõ, nắm bắt được điều kiện gây trồng của cây sâm Lai Châu thì vẫn có thể phát triển được ở các địa phương khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng Lai Châu như Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái… nhằm tạo ra giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, điều này sẽ phải làm một cách thận trọng, cần có nghiên cứu, khảo nghiệm và đánh giá bài bản trước khi sản xuất lớn.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.