Điều hành linh hoạt, chắt chiu nguồn nước trong điều kiện bất lợi. Lai Châu phấn đấu có 10.000ha trồng sâm vào năm 2045. Đan Mạch hỗ trợ Quảng Trị sản xuất cà phê không gây mất rừng. Cà Mau: Nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu tôm xuất khẩu do dịch bệnh.
ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, CHẮT CHIU NGUỒN NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN BẤT LỢI
Sáng 7/7, Cục Thuỷ lợitổ chức hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chúc mừng Cục trong 6 tháng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mặc dù gặp khó khăn trong thay đổi cơ cấu, tổ chức và đối mặt với diễn biến thời tiết bất lợi.Đặc biệt công tác lấy nước cho Vụ Đông xuân đã giảm từ 3 đợt xuống 2 đợt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả hai đợt là 3,62 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,14 tỷ m3 so với tổng lượng nguồn nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn cùng khả năng cao xảy ra EL Nino nửa cuối 2023 Cục thuỷ lợi sẽ chủ động các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương.
LAI CHÂU PHẤN ĐẤU CÓ 10.000HA TRỒNG SÂM VÀO NĂM 2045
Sáng ngày 7/7, tại tỉnh Lai Châu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái. Riêng đối với cây Sâm Lai Châu, được tỉnh xác định là loài cây đặc hữu, có tiềm năng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và xây dựng Bản đồ vùng thích hợp trồng Sâm Lai Châu của tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất các nội dung tham gia của tỉnh Lai Châu vào Chương trình phát triển Sâm Việt Nam và xây dựng Kế hoạch phát triển trồng Sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000 ha và đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000 ha đưa tổng diện tích Sâm Lai Châu của tỉnh lên 10.000 ha.
ĐAN MẠCH HỖ TRỢ QUẢNG TRỊ SẢN XUẤT CÀ PHÊ KHÔNG GÂY MẤT RỪNG
Phát biểu tại “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica huyện Hướng Hóa năm 2023” diễn ra sáng nay, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, Chính phủ Đan Mạch quyết định hỗ trợ 1,2 triệu USD thực hiện dự án Sản xuất cà phê không gây mất rừng” tại Quảng Trị. Thời gian dự kiến triển khai từ tháng 7 năm 2023 đến 30/6/2027. Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu giữa 2 HTX với 10 tổ nhóm sản xuất; 5 hợp đồng liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân giữa các doanh nghiệp với các tổ nhóm sản xuất và các HTX sản xuất cà phê, giá trị hợp đồng gần 20 tỷ đồng.
CÀ MAU: NGUY CƠ THIẾU HỤT NGUYÊN LIỆU TÔM XUẤT KHẨU DO DỊCH BỆNH
Thông tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích nuôi tôm thâm canh bị bệnh trên địa bàn tỉnh gần 32 ha; tôm quảng canh cải tiến bị bệnh hơn 12.800 ha, mức độ thiệt hại từ 35-80% diện tích tôm nuôi bị bệnh. Diện tích cua nuôi quảng canh kết hợp tôm bị bệnh hơn 14.000 ha, mức độ thiệt hại từ 20-60%. Nguyên nhân là do con giống không đạt chất lượng và thời tiết xấu nên dịch bệnh bùng phát, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu tôm phục vụ xuất khẩu cuối năm 2023.