| Hotline: 0983.970.780

Nestlé đứng Top 1 về phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất cà phê

Thứ Năm 21/09/2023 , 18:10 (GMT+7)

Theo báo cáo ngành cà phê Coffee Barometer vừa công bố, Nestlé đứng ở vị trí Top 1 về phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất cà phê.

Kỹ thuật được chia sẻ trong chương trình Nescafé Plan giúp giảm 20% lượng phân bón/thuốc trừ sâu, song vẫn đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng. Ảnh: Nestlé.

Kỹ thuật được chia sẻ trong chương trình Nescafé Plan giúp giảm 20% lượng phân bón/thuốc trừ sâu, song vẫn đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng. Ảnh: Nestlé.

Kết quả này được công bố trong bảng xếp hạng Coffee Brew Index năm 2023 của báo cáo Coffee Barometer, được thực hiện bởi một tổ chức phi lợi nhuận.

Theo báo cáo, Nestlé được đánh giá là doanh nghiệp có chiến lược bền vững toàn diện trong sản xuất cà phê, bao gồm các chính sách, mục tiêu và hành động cụ thể ở các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. 

Báo cáo Coffee Barometer 2023 ghi nhận đầu tư của Nestlé dành riêng cho ngành cà phê. Bên cạnh việc sở hữu nhiều nhãn hàng và danh mục sản phẩm đa dạng, Nestlé cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững ngay từ các nông trại, thông qua các chương trình như Nescafé Plan tập trung về chống biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và cải thiện sinh kế cho người nông dân. 

Ông David Rennie, Giám đốc Thương hiệu cà phê của Nestlé khẳng định, đây là sự công nhận cho cam kết lâu dài về phát triển bền vững trong sản xuất cà phê.

“Qua các chương trình cốt lõi, gồm Nescafé Plan và chương trình Chất lượng bền vững Nespresso AAA, chúng tôi đang đồng hành cùng với người nông dân mỗi ngày nhằm đảm bảo sự bền vững về kinh tế - xã hội trong canh tác và sản xuất cà phê. Chúng tôi cam kết không ngừng đạt được các bước tiến và mang đến các phương pháp mới giúp canh tác cà phê bền vững”, ông David Rennie nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, thông qua chương trình Nescafé Plan được triển khai từ năm 2011, Nestlé đang hỗ trợ người nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh, phát thải thấp bằng các sáng kiến giúp cải thiện chất lượng đất trồng, bảo vệ tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ góp phần giúp tăng khả năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu và giúp hấp thụ khí CO2.

Nông dân Việt Nam nhận cây giống trong Dự án 'Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp' khởi động vào tháng 6/2023. Ảnh: Nestlé.

Nông dân Việt Nam nhận cây giống trong Dự án "Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp" khởi động vào tháng 6/2023. Ảnh: Nestlé.

Đồng thời, các sáng kiến và kỹ thuật dễ dàng áp dụng được các chuyên gia nông nghiệp của Nestlé chia sẻ thông qua chương trình Nescafé Plan, như đo độ ẩm của đất bằng chai nước, sử dụng các mô hình xen canh hợp lý… đã giúp người nông dân trồng cà phê tiết kiệm 40% - 60% nước dùng cho tưới tiêu, giảm 20% lượng phân bón/thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng. 

Tính đến năm 2022, trong chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam, phần lớn người nông dân trên tổng số vườn được khảo sát đã sử dụng phân vi sinh để bón cây, 86% vườn cà phê được đa dạng hóa cây trồng với trung bình 3 loại cây khác nhau. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân được cải thiện 30 - 100% so với trước khi tham gia Nescafé Plan. 

Đặc biệt, chương trình còn hỗ trợ người nông dân áp dụng số hóa trong quản lý trang trại và canh tác cà phê bền vững. Qua phần mềm ứng dụng, như công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB) dựa trên công nghệ số, người nông dân có thể quản lý một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào như nước, phân bón… góp phần giảm phát thải trên mỗi ký cà phê thu hoạch.

Dự kiến, chương trình Nescafé Plan đang được áp dụng trên toàn cầu sẽ đóng góp vào cam kết chung của Nestlé về cắt giảm một nửa khí thải nhà kính đến năm 2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Đồng thời, chương trình cũng hướng đến mục tiêu đến năm 2025, Nestlé sẽ thu mua 100% cà phê từ nguồn canh tác bền vững, trong đó, 20% cà phê được thu mua từ canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 50% đến năm 2030.

Hiện nay, mặc dù cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia, nhưng phần lớn nguồn cung cà phê đến từ một số ít quốc gia. Trong năm 2022, Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất thế giới, đóng góp đến 40% tổng sản lượng cà phê. Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai, đóng góp 20% sản lượng. Hiện Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cà phê xanh hàng đầu cho Nestlé.

Bảng xếp hạng Coffee Brew Index năm 2023 được công bố trong báo cáo hai năm một lần Coffee Barometer, phân tích chiến lược bền vững của 11 doanh nghiệp sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Báo cáo Coffee Barometer do tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế Solidaridad và tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International) khởi xướng. Nhóm các chuyên gia quốc tế về chuỗi cung ứng và ngành cà phê (Ethos Agriculture) thực hiện. 

Ngoài đánh giá về các doanh nghiệp sản xuất cà phê hàng đầu trên thế giới, báo cáo Coffee Barometer cũng trích dẫn các nghiên cứu hiện nay, cho thấy tình trạng thời tiết đang ấm dần lên cũng như thay đổi về mùa mưa có thể sẽ làm giảm sản lượng cà phê ở các nơi: Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua, Mexico và Việt Nam. 

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.