| Hotline: 0983.970.780

Nestlé tích cực nâng cao vai trò phụ nữ trong chuỗi giá trị nông sản

Thứ Tư 25/10/2023 , 18:15 (GMT+7)

Chương trình NESCAFÉ Plan đã nâng cao vai trò phụ nữ trong chuỗi giá trị cà phê bằng cách tham gia các buổi tập huấn, trao quyền quản lý.

Ngày 25/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tăng cường vai trò phụ nữ trong một số chuỗi nông sản. Hội thảo mục đích chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến nhằm thúc đẩy vai trò, quyền lợi phụ nữ thông qua các chương trình hợp tác đa bên trong chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam, như lúa gạo, cà phê và hồ tiêu.

Vườn cà phê của gia đình chị Mai Thị Nhung được hỗ trợ, tập huấn theo chương trình Nescafé Plan. Ảnh: Quang Yên.

Vườn cà phê của gia đình chị Mai Thị Nhung được hỗ trợ, tập huấn theo chương trình Nescafé Plan. Ảnh: Quang Yên.

Hưởng lợi từ chương trình NESCAFÉ Plan

Là nữ trưởng nhóm nông dân của chương trình NESCAFÉ Plan, chị Mai Thị Nhung (ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết, chị tham gia NESCAFÉ Plan từ 2015 với mục tiêu tiếp cận các kiến thức và thực hành nông nghiệp bền vững.

Sau thời gian hoạt động năng nổ, năm 2019, từ chương trình đào tạo trưởng nhóm nông dân nữ, với sự tin tưởng của các thành viên, chị Nhung được bầu chọn thành nhóm trưởng. Hiện, chị Nhung đang quản lý 72 nông dân thành viên, trong đó trên 42% nông dân thành viên là phụ nữ và đồng bào người địa phương.

Theo chị Nhung, trước khi tham gia chương trình, gia đình canh tác cà phê theo tập quán truyền thống, cây cà phê già cỗi, sử dụng giống cũ, năng suất, chất lượng không cao. Sản lượng cà phê của gia đình chị Nhung chỉ khoảng 2,5 tấn/ha. Hơn nữa, việc thực hành nông nghiệp không bền vững khiến chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, từ đó gia đình chị không tính toán được chi phí, lợi nhuận.

Chị Mai Thị Nhung cho biết, sử dụng chai để đo độ ẩm của đất trong quá trình canh tác giúp tiết kiệm lượng nước tưới tiêu và các chi phí liên quan. Ảnh: Quang Yên.

Chị Mai Thị Nhung cho biết, sử dụng chai để đo độ ẩm của đất trong quá trình canh tác giúp tiết kiệm lượng nước tưới tiêu và các chi phí liên quan. Ảnh: Quang Yên.

Kể từ khi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan, chị Nhung đã thực hiện cải tạo vườn cà phê già cỗi và trồng tái canh năm 2017, bằng cách chọn giống mới năng suất cao, kháng sâu bệnh, trồng xen hợp lý và thực hành nông nghiệp theo hướng tái sinh.

Cụ thể, chị Nhung được hướng dẫn áp dụng mô hình trồng xen canh cà phê và hồ tiêu hợp lý nên sản lượng cà phê năm 2022 đạt 3,5 tấn nhân/ha, sản lượng tiêu đạt 2,5 tấn/ha và sầu riêng 1,5 tấn. Tham gia chương trình, chị Nhung còn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh.

Chị Nhung đã ứng dụng kiến thức học được vào vườn cà phê, giúp giảm phân bón hóa học (20-30%) bằng cách tăng phân hữu cơ và ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh, giúp cải tạo đất và tăng cường vi sinh vật, giúp đất tơi xốp hơn trước. Áp dụng chai nước đo độ ẩm đất và lon sữa bò để đo lượng nước mưa, giúp gia đình tiết kiệm nước tưới và chi phí liên quan gần 50% so với trước.

Đặc biệt, gia đình chị Nhung còn được chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số thông qua ứng dụng nhật ký nông hộ trên điện thoại, giúp theo dõi được chi phí đầu tư, lợi nhuận từ cà phê, tiêu.

Cán bộ kỹ thuật Nescafé Plan hướng dẫn kỹ thuật cho các nông dân tham gia chương trình. Ảnh: Quang Yên.

Cán bộ kỹ thuật Nescafé Plan hướng dẫn kỹ thuật cho các nông dân tham gia chương trình. Ảnh: Quang Yên.

Nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những thị trường cung cấp nguyên liệu cà phê lớn và quan trọng cho Tập đoàn Nestlé. Chính bởi vậy, sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam nói riêng, sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cộng đồng nói chung sẽ đồng hành cùng với sự phát triển lâu dài, ổn định của Tập đoàn.

Theo bà Thương, tại Việt Nam, từ năm 2011, Công ty đã triển khai chương trình NESCAFÉ Plan nhằm đưa kỹ thuật canh tác, tiếp cận bền vững với mô hình nông nghiệp tái sinh tới người nông dân trồng cà phê. Công ty đã hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phát triển giống cà phê chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống hạn.

Đến nay, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ cung cấp được 63,5 triệu cây giống cho chương trình tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Công ty cũng triển khai 330.000 lượt tập huấn về canh tác cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh cho nông dân, cũng như kết nối với  21.000 nông hộ giúp thực hành sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chí 4C.

Bên cạnh các chỉ số về bảo vệ môi trường, giảm phát thải và nâng cao sinh kế, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ cũng là một trong những trọng tâm trong chương trình NESCAFÉ Plan. Trước đây, trong các khâu, từ canh tác đến thu hoạch cà phê, đều có sự tham gia của 2 giới nhưng việc tham gia các chương trình tập huấn thường do nam giới đảm nhiệm.

"Việc phụ nữ không được tham gia tập huấn sẽ ảnh hưởng đến việc đưa ra những quyết định hợp lý trong quản lý nông hộ. Do đó, chương trình NESCAFÉ Plan đã góp phần thay đổi tư duy về quyền tiếp cận với các kiến thức cần thiết thông qua các buổi tập huấn cũng như việc tham gia vào quá trình ra quyết định của phụ nữ”, bà Hoài Thương nói.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (thứ 4 từ trái qua phải) chia sẻ cùng các diễn giả tại Hội thảo các sáng kiến và hoạt động cụ thể của Nestlé nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị nông sản.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (thứ 4 từ trái qua phải) chia sẻ cùng các diễn giả tại Hội thảo các sáng kiến và hoạt động cụ thể của Nestlé nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong toàn chuỗi giá trị nông sản.

Bà Thương cho biết thêm, bên cạnh các chương trình tập huấn, NESCAFÉ Plan đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian cho phụ nữ trong việc quản lý nông hộ cũng như giúp phụ nữ nắm rõ được các khoản thu chi, lịch canh tác và thu hoạch kịp thời, hợp lý.

Khi tham gia chương trình, những quyết định của phụ nữ có sơ sở và tiếng nói hơn trong gia đình và cộng đồng. Trong 21.000 nông hộ tham gia chương trình NESCAFÉ Plan, với 274 nhóm nông dân, đã có hơn 30% phụ nữ đang giữ vai trò trưởng nhóm. Họ là những lãnh đạo nhóm, trở thành những người truyền cảm hứng, thuyết phục tốt hơn đối với cộng đồng.

Với vai trò chủ trì hội thảo và là Giám đốc Văn phòng Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp ở Việt Nam - PSAV, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, duy trì được độ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, bên cạnh những thành tựu nêu trên, không thể bỏ qua việc nâng cao nhận thức và năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực lương thực và nông nghiệp.

Hiện nay, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 47%, riêng trong hợp tác xã chiếm 80%, con số này cho thấy, phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), nếu phụ nữ không được đảm bảo quyền lợi và cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp sẽ thiếu đi sự đa dạng và sáng tạo mà phụ nữ có thể đóng góp. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), nếu phụ nữ không được đảm bảo quyền lợi và cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp sẽ thiếu đi sự đa dạng và sáng tạo mà phụ nữ có thể đóng góp. Ảnh: Quang Yên.

“Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một tương lai bền vững, nhưng thường gặp nhiều khó khăn trong tham gia vào các khía cạnh của chuỗi giá trị cũng như bị hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực, cơ hội và quyền lợi. Việc thiếu trao quyền cho phụ nữ cũng gây ra ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong nông nghiệp. Nếu phụ nữ không được đảm bảo quyền lợi và cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp sẽ thiếu đi sự đa dạng và sáng tạo mà phụ nữ có thể đóng góp”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc tận dụng sự thông minh và nhạy bén của phụ nữ trong việc quản lý tài nguyên, áp dụng các sáng kiến thông minh về khí hậu trong nông nghiệp là rất quan trọng.

“Tăng cường vai trò phụ nữ trong nông nghiệp đòi hỏi sự tập trung vào việc xây dựng quan hệ bình đẳng giới, cung cấp cơ hội đào tạo và phát triển cho nữ nông dân cũng như tạo ra môi trường thúc đẩy sự công bằng.

Việc này đòi hỏi nhận thức, hỗ trợ và nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng tham gia, đảm bảo rằng phụ nữ có vai trò quan trọng và bình đẳng trong nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đây là Hội thảo đầu tiên riêng về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ trong chuỗi nông sản được tổ chức, với sự tham gia của các đại diện đến từ Bộ NN-PTNT, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các doanh nghiệp đầu ngành, các tổ chức tư vấn, đại diện các tổ nhóm nông dân và các sở ban ngành liên quan.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.