| Hotline: 0983.970.780

Lê Tai Nung xóa nghèo cho đồng bào Mông

Thứ Hai 24/06/2024 , 14:59 (GMT+7)

YÊN BÁI Từ vài ha trồng thử nghiệm, đến nay cây lê Tai Nung đã thành vùng hàng hóa gần 200ha, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế, xóa nghèo cho người dân Mù Cang Chải.

Cây lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan đang từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế tại huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Cây lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan đang từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế tại huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng ngô

Gia đình anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là một trong những hộ đầu tiên trồng lê Tai Nung (lê Đài Loan, hay còn gọi là giống lê VH6) trong xã. Năm 2014, gia đình anh bắt đầu trồng thử 0,6ha lê, sau quá trình chăm sóc, đến năm thứ 5 cây lê bắt đầu cho quả bói, từ năm thứ 7 trở đi đạt năng suất cao.

Anh Mạnh chia sẻ, thấy giống lê Tai Nung hợp đất, khí hậu, năng suất cao và dễ tiêu thụ nên anh đã đầu tư mua cây giống để mở rộng diện tích thêm 2ha. Trong quá trình sản xuất, anh Mạnh và các hộ dân trong xã thường xuyên được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành, bón phân, thu hái và bảo quản sản phẩm. Nhờ vậy, năng suất vườn lê Tai Nung luôn tăng theo từng năm.

Giống lê Tai Nung phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở Mù Cang Chải, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, quả có màu sắc đẹp, vị ngọt đậm, hương thơm. Năm 2023, vườn lê của gia đình anh Mạnh thu hoạch được 3 tấn quả, giá bán trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Sản phẩm có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, gia đình thu về hơn 70 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ cây lê quả đậu nhiều hơn, dự kiến gia đình anh Mạnh sẽ thu được 5 - 6 tấn quả, thu nhập khoảng trên 120 triệu đồng.

Vụ thu hoạch năm nay, gia đình anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) dự kiến thu được 5 - 6 tấn quả lê, thu nhập trên 120 triệu đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Vụ thu hoạch năm nay, gia đình anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) dự kiến thu được 5 - 6 tấn quả lê, thu nhập trên 120 triệu đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Khi quả lê bắt đầu chín vỏ chuyển màu xanh vàng là có thể thu hái bán dần. Lúc thu hoạch cần nhẹ nhàng, không làm dập, sây xát quả, sau đó đặt vào thùng xốp vận chuyển để giữ được mẫu mã đẹp, giá bán cao.

Cũng giống như gia đình anh Mạnh, hộ chị Lù Thị Hú ở xã Púng Luông hiện có trên 4ha lê VH6 được trồng từ năm 2017. Năm 2023, vườn lê của hộ chị Hú cho sản lượng quả đạt hơn 4 tấn, đem về nguồn thu trên 80 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô. Gia đình chị Hú đang dự định sẽ mở rộng diện tích trồng lê thêm 2ha trong năm nay.

Theo chị Hú, trước đây nương đồi của gia đình chỉ trồng ngô, sắn, vừa vất vả mà hiệu quả kinh tế thấp. Khi xã đưa cây lê Tai Nung về trồng thử thấy phù hợp và hiệu quả nê gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi đất đồi sang trồng lê. Hiện nay diện tích đất đồi của người dân xã Púng Luông còn nhiều, nếu mở rộng trồng lê thành vùng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho bà con. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, trồng lê còn góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ đất, chống xói mòn, sạt lở đất.

Giống lê Đài Loan sinh trưởng mạnh, phân cành nhiều, phù hợp với khí hậu ở huyện Mù Cang Chải - nơi có độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển. Thân cây non có màu xanh, thân già màu nâu đậm, vỏ nhẵn. Quả hình tròn dẹt, vỏ màu vàng nhạt, mịn và mỏng. Thịt quả có vị ngọt mát, tỷ lệ phần ăn được cao, mùi thơm đặc trưng. Khối lượng quả trung bình từ 300 - 400gram/quả, mùa quả chính rộ bắt đầu từ trung tuần tháng 6 dương lịch.

Phù hợp đất đai, khí hậu nên lê Tai Nung cho năng suất cao từ 3 - 4 tấn quả/ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Phù hợp đất đai, khí hậu nên lê Tai Nung cho năng suất cao từ 3 - 4 tấn quả/ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Vàng Bua Tủa, Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết, Púng Luông là một trong 3 xã được lựa chọn tham gia vào dự án liên kết chuỗi trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới. Hiện nay, xã có diện tích trồng lê Tai Nung lớn nhất huyện với diện tích trên 60ha. Mỗi ha lê cho sản lượng từ 3 – 4 tấn quả, với giá bán bình quân từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cây ăn quả này cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác.

Năm 2011, giống lê Tai Nung đã được đưa vào trồng thử nghiệm tại 2 xã Dế Xu Phình và Púng Luông của huyện Mù Cang Chải với diện tích 2ha. Sau 5 - 6 năm phát triển, cây lê bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ khẳng định được hiệu quả kinh tế, diện tích cây lê Tai Nung đã phát triển mạnh từ năm 2019 đến nay với tổng diện tích toàn huyện hơn 170ha.

Liên kết chuỗi, hình thành vùng hàng hóa từ 300 - 500ha

Để phát triển bền vững hiệu quả cây lê Tai Nung, huyện Mù Cang Chải đã tận dụng nguồn vốn từ các chính sách của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái để khuyến khích, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lê Tai Nung. Từ đó, hỗ trợ đồng bào Mông nơi đây nhân rộng giống lê đầy tiềm năng này. 

Hiện nay người trồng lê ở Mù Cang Chải đã tham gia vào các chuỗi sản xuất, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay người trồng lê ở Mù Cang Chải đã tham gia vào các chuỗi sản xuất, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, ở các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lê Tai Nung. Trong đó, chuỗi liên kết do Công ty Cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương làm chủ dự án đã hỗ trợ cây giống, vật tư, phân bón cho người dân trồng được gần 85ha lê. Chuỗi liên kết của dự án được triển khai tại 3 HTX (HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly và HTX Du lịch Đồi mâm xôi La Pán Tẩn), tỷ lệ cây lê sống đều đạt trên 90%. 

Anh Hảng A Lồng, người dân xã La Pán Tẩn cho biết, ngoài được hỗ trợ cây giống, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân còn được tập huấn, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật từ khâu thiết kế vườn trồng tới chăm sóc, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh… cho cây lê theo hướng VietGAP, an toàn.

Cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên kiểm tra, tư vấn biện pháp khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích lê theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Sản phẩm được các HTX ký bao tiêu toàn bộ nên bà con rất yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Được biết, Công ty Cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương đã cam kết thu mua sản phẩm lê khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn với giá bảo hiểm thấp nhất là 8.000 đồng/kg. Trường hợp giá thị trường tại thời điểm thu mua cao hơn giá bảo hiểm thì thực hiện thu mua theo giá thị trường. 

Mù Cang Chải phấn đấu hình thành trồng lê hàng hóa từ 300 - 500ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Mù Cang Chải phấn đấu hình thành trồng lê hàng hóa từ 300 - 500ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, các xã vùng cao của huyện có điều kiện thời tiết, khí hậu phù hợp với một số cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây lê Tai Nung. Qua hơn 10 năm thử nghiệm và phát triển, cây lê đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm nghèo bền vững cho đồng bào Mông

Hiện nay, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mù Cang Chải đang thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây lê Tai Nung, dự kiến sẽ phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa với diện tích khoảng 300 - 500ha. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 100% sản phẩm sẽ được doanh nghiệp, HTX ký kết bao tiêu, từ đó giúp bà con yên tâm về đầu ra và tiếp tục mở rộng diện tích.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Người trồng chuối Tết ở Hải Phòng trắng tay

HẢI PHÒNG Dù đã đến thời điểm buôn bán chuối phục vụ Tết Nguyên Đán nhưng năm nay tại Hải Phòng không khí lại ảm đạm, vắng vẻ do hậu quả thiên tai.

Bình luận mới nhất