| Hotline: 0983.970.780

Xã đầu tiên của huyện nghèo về đích NTM, khơi dậy khát vọng vươn lên của 7 vạn người

Thứ Tư 02/10/2024 , 14:51 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau gần 14 năm thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, người dân Nậm Khắt vui mừng khi địa phương sắp trở thành xã NTM đầu tiên ở huyện nghèo Mù Cang Chải. 

Xã Nậm Khắt có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, tỷ lệ hộ nghèo đến 80%. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Nậm Khắt có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, tỷ lệ hộ nghèo đến 80%. Ảnh: Thanh Tiến.

Nậm Khắt là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển với địa hình đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, trong sản xuất nông nghiệp người dân đa phần chỉ canh tác một vụ trong năm nên cuộc sống rất vất vả. Cả xã có hơn 1.000 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, chiếm 93%, phân bố dải dác ở 8 bản.

Ông Thào A Phềnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết, năm 2011 khi bước vào xây dựng NTM, đời sống của người dân địa phương rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ 4,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Kinh tế của bà con chủ yếu là thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ, dịch vụ chưa phát triển. Đã từng có giai đoạn, việc đủ ăn, đủ mặc cũng là mong ước xa xỉ, chứ nói đến trở thành xã nông thôn mới (NTM) thật xa vời vợi.

Người dân kiên cố, chỉnh trang nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân kiên cố, chỉnh trang nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Về cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là đường giao thông chủ yếu là đường đất, kênh mương thủy lợi mới được kiên cố hóa đạt 29%, chỉ gần 60% dân số của xã được sử dụng điện. Các trường học còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm... Thời điểm đó, xã Nậm Khắt chỉ đạt duy nhất 1 tiêu chí về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.

Chính quyền địa phương xác định việc thay đổi tư duy cho người dân cần ưu tiên hàng đầu, từ đó, các ngành chức năng của huyện thường xuyên phối hợp với xã tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ về chủ trương xây dựng NTM. Từng bước giúp đồng bào thấy được những lợi ích và trách nhiệm của mình, chủ động tham gia thực hiện các tiêu chí mà không “trông chờ, ỷ lại”.

Với nhiều phương thức tuyên truyền, vận động theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để bà con thực hiện các tiêu chí như: làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa, thu gom xử lý rác thải, xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tược, khuôn viên,...

Những con đường nối các xóm, bản được kiên cố bê tông. Ảnh: Thanh Tiến.

Những con đường nối các xóm, bản được kiên cố bê tông. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Mùa A Của, Bí thư chi bộ bản Làng Sang, xã Nậm Khắt chia sẻ, trước đây cuộc sống của người dân trong bản rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thường xuyên phải nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Mấy năm nay, cuộc sống thay đổi rõ rệt, người dân có thu nhập khá hơn nhiều từ việc cho thuê đất và làm việc tại các trang trại nông nghiệp. Từ đó, các hộ dân tích cực đóng góp tiền, công lao động để làm đường bê tông trong bản, việc đi lại đỡ vất vả hơn. Nhà ở, công trình vệ sinh cũng được xây dựng kiên cố, sạch sẽ hơn trước.

Nông thôn ở Nậm Khắt thay đổi theo một cách riêng, không giống như những xã ở vùng thấp với đường xá phẳng lì, cánh đồng bát ngát, nhà xây khang trang... Sự thay đổi ở đây theo hướng duy trì bản sắc của một xã người Mông ở vùng cao Tây Bắc. Nhà cửa được chỉnh trang kiên cố, mái lợp chắc chắn, trong mỗi ngôi nhà có đủ các công trình phụ, việc chăn nuôi gia súc được nuôi nhốt, thu gom chất thải chứ không còn thả rông hay buộc nhốt quanh nhà như trước.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Trên những cánh đồng ở trung tâm xã nhiều loại cây trồng như hoa hồng, cà chua, ớt và rau màu các loại phủ kín mang lại đời sống no ấm hơn. Những con đường dốc nhỏ luồn lách vào các ngõ xóm được đổ bê tông thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn ở địa phương được kiên cố khá đồng bộ, 100% tuyến đường xã được đổ nhựa, hoặc bê tông, hơn 90% tuyến đường liên bản và đường ngõ xóm được kiên cố bê tông. Hàng tháng bà con còn tự giác 2 lần phát cỏ, quét đường, một số tuyến đường hoặc nhà văn hóa được lắp hệ thống điện chiếu sáng và trồng hoa, cây cảnh tạo khuôn viên sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, đã có hơn 50% kênh mương đưỡ cứng hóa bê tông, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước chủ động. 99,8% hộ gia đình sử dụng điện quốc gia thường xuyên, an toàn.

Ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái thăm trang trại trồng hoa hồng ở Nậm Khắt. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái thăm trang trại trồng hoa hồng ở Nậm Khắt. Ảnh: Thanh Tiến.

Xây dựng NTM với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, chính vì vậy bên cạnh huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, các tiêu chí nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo được đặc biệt chú trọng.

Ông Lý A Sử, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết, xác định rõ nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, xã đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện toàn xã có hơn 300 ha lúa nước, hơn 1.100 ha cây ăn quả. Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2018 đến nay đã chuyển đổi hơn 100 ha lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng hoa hồng, nấm, cà chua và rau sạch.

Một mô hình trồng ớt cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Một mô hình trồng ớt cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 2 HTX và hơn 30 tổ hợp tác tham gia vào liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tiêu biểu như HTX hoa có diện tích hơn 70 ha, HTX trồng nấm với diện tích trên 2 ha. Sản phẩm mật ong Nậm Khắt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái.

Sau 14 năm xây dựng NTM, đến nay Nậm Khắt đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp gieo trồng các loại cây có năng suất cao, thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 46 triệu đồng/năm (tăng 40 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,49%.

Quang cảnh khu vực trung tâm xã Nậm Khắt. Ảnh: Thanh Tiến.

Quang cảnh khu vực trung tâm xã Nậm Khắt. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải đánh giá, Nậm Khắt đã có những thay đổi rõ rệt, ko chỉ ở hạ tầng hay bộ mặt nông thôn miền núi, mà thay đổi quan trọng nhất là ở nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Những thửa ruộng chỉ cấy một vụ lúa trước đây cho thu nhập 25-30 triệu/ha giờ đã trở thành cánh đồng thâm canh hoa hồng, rau sạch, nấm dược liệu, cà chua, ớt xuất khẩu... với giá trị thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha.

"Việc xã Nậm Khắt được công nhận là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM ko chỉ làm thay đổi đời sống của đồng bào nơi đây mà còn khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo của gần 7 vạn đồng bào người Mông, người Thái ở huyện nghèo Mù Cang Chải", ông Nông Việt Yên cho biết thêm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.