Tuyến đường xưa cũ
Đoạn QL 3 dài khoảng 31 km, qua phía Bắc tỉnh Thái Nguyên, vốn là tuyến huyết mạch để nối liền TP.Thái Nguyên với các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ từ rất xa xưa.
Trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đoạn đường này cũng là lối duy nhất giúp cho Việt Minh phát triển căn cứ từ núi rừng chiến khu Việt Bắc, rồi lan tỏa phong trào cách mạng đến các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng.
Kháng chiến thành công, QL 3 vẫn là huyết mạch duy nhất nối liền 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng với Thủ đô Hà Nội.
Chính vì sự quan trọng của tuyến đường này, Đảng, Nhà nước đã bỏ nhiều tiền thuế, phí để mở rộng lòng lề đường, cùng lực lượng công nhân quản lý đường bộ thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng nền đường, phát quanh cây cỏ dại, khơi thông rãnh nước tà ly dương, giúp cho tuyến đường luôn thông suốt.
Nhờ đó, việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền xuôi lên miền ngược được thuận tiện, thông suốt trong các năm tháng chiến tranh ác liệt và cả thời kỳ hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc.
Cho đến hôm nay, đoạn QL 3 nối liền vùng kinh tế dân sinh ATK vẫn là niềm tự hào của người dân vùng ATK vì đã trở thành nút giao thương đặc biệt quan trọng, giúp cho việc phát triển kinh tế xã hội các huyện vùng ATK, cũng như nối liền các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… Giúp cho mỗi ngày thêm khởi sắc, đời sống người dân ATK ngày một nâng cao, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng đất nước.
Trạm thu phí QL 3 (Trạm BOT Bờ Đậu) đã lắp đặt đầy đủ thiết bị, và sẵn sàng cho việc thu phí các phương tiện |
Từ năm 2000 trở lại đây, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường mòn, đường đất qua các cụm căn cứ địa năm xưa, thành đường nhựa, đường bê tông sạch đẹp, để nối liền các di tích kháng chiến, thành các điểm du lịch cụm ATK Việt Bắc, bao gồm các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, với Khu Di tích Cách mạng Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang liền Khu di tích lịch sử cách mạng tại huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn…
Giao thông phát triển, không chỉ giúp cho người dân sinh sống trong vùng ATK được hưởng lợi hạ tầng từ các dự án do Nhà nước đầu tư, các tuyến đường đã giúp cho du khách thập phương có dịp được du ngoạn, tận hưởng không khí trong lành của núi rừng Việt Bắc, tận hưởng sản vật nơi đây, cùng với tham quan dâng hương các di tích lịch sử cách mạng.
Giao thông thuận tiện, dòng người đến với ATK ngày một đông vui, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay, hiểu thêm được giá trị của lịch sử, thành kính các bậc tiền bối năm xưa.
Đối với người dân vùng ATK, đã có thêm nguồn thu nhập mới là kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Du khách thập phương đã giúp người dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản bản địa như: Chè búp, măng khô, cây dược liệu, sản vật quý, cùng nguồn nông sản, thực phẩm sạch từ núi rừng Việt Bắc.
Lý do thu phí chưa thuyết phục
Năm 2017, một trạm thu phí BOT được xây dựng trên QL 3 cũ, thuộc địa bàn xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên (được gọi là Trạm thu phí BOT Bờ Đậu), đã dẫn đến sự bức xúc, phản đối quyết liệt của đông đảo người dân sống trong vùng, đặc biệt các nhà xe, người làm dịch vụ vận tải lân cận.
Người dân cùng doanh nghiệp kinh doanh vận tải, gia sức phản đối việc dựng trạm thu phí này, từ đó hàng loạt các cuộc tuần hành của những nhà xe, người có phương tiện thường qua lại tuyến này, diễn ra nhằm phản đối việc chuẩn bị thu phí, buộc chính quyền và doanh nghiệp chưa thể thực hiện việc thu phí.
Lý do người dân phản đối rất có cơ sở ở chỗ, đó là tuyến đường xưa cũ, được hình thành từ nhiều đời nay, được xây dựng bằng bao mồ hôi, xương máu, công sức người dân, nên không ai có quyền dựng trạm để thu phí người, hay phương tiện qua lại?
Phía doanh nghiệp thì cho rằng, họ đã bỏ tiền ra để kẻ vẽ nền đường, xây dựng nhà trạm thu phí hoành tráng, làm rãnh thoát nước hơn chục km đoạn QL 3 từ TP. Thái Nguyên lên huyện Phú Lương, nên họ có quyền được thu tiền.
Hơn nữa, việc dựng trạm thu tiền dân đi tuyến này, nhằm để bù đắp cho doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư vào tuyến QL 3 mới, nối từ TP. Thái Nguyên lên huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) với chiều dài 45km, tuyến đường mới chạy song song với tuyến đường QL 3 cũ này.
Cách lý giải chưa thuyết phục còn thể hiện rõ ở chỗ: Vậy, hàng chục vạn người dân huyện Đại Từ và những người phải đi trên tuyến QL 37 từ Thái Nguyên sang tỉnh Tuyên Quang (và ngược lại), họ chỉ đi trên vạch sơn của QL 3 khoảng 5 km, thì việc trả phí sẽ tính ra sao? Hiện tại, cả chính quyền và doanh nghiệp BOT đang bị bế tắc và chưa tìm được lời giải thích cho thấu tình đạt ý.
Do đó, mỗi khi các doanh nghiệp vận tải, cùng các nhà xe tại Đại Từ, Phú Lương, đi qua Trạm thu phí Bờ Đậu, chỉ cần nhìn thấy có bóng dáng các nhân viên đến sơn sửa, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị tính hiệu, camera… thì ngay lập tức, các trang mạng xã hội tại Đại Từ, Thái Nguyên… lại đồng loạt lên tiếng kêu gọi mọi người lắp biểu ngữ lên xe ô tô để tuần hành, nhằm phản đối việc thu phí.
Thông điệp của các nhà xe, người sử dụng ô tô nơi đây, với mong muốn chính quyền Thái Nguyên sẽ ủng hộ không cho doanh nghiệp thu phí người dân qua lại trên QL 3.
Dư luận cho rằng, nếu chính quyền Thái Nguyên đồng thuận với việc giúp doanh nghiệp hạ trạm thu phí tại chốt BOT Bờ Đậu, không chỉ tốn tiền đối với các chủ phương tiện phải thường xuyên qua lại, mà còn thêm phần khó khăn cho người dân đang sinh sống trong các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ATK tại các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Chợ Đồn…
Do đó, nếu việc thu phí QL 3 (tại Trạm BOT Bờ Đậu) thành hiện thực, bắt buộc các nhà xe phải tăng giá cước vận tải hàng hóa. Dẫn đến người dân nơi vùng sâu nơi núi rừng Việt Bắc vốn dĩ đã rất khó khăn, nay lại phải nai lưng đồng hành cùng doanh nghiệp “cắt lỗ”, biết bao giờ mới thuận lòng dân?