| Hotline: 0983.970.780

Nga tập trung vào xuất khẩu ngũ cốc và gia cầm

Thứ Tư 29/12/2021 , 10:06 (GMT+7)

Theo đó, đến năm 2024, chính phủ Nga dự đoán sẽ có khoảng 11 tỷ USD được đầu tư vào hàng trăm dự án nông nghiệp hướng tới xuất khẩu.

Mục tiêu của Nga là xuất khẩu 1 triệu tấn gia cầm hàng năm vào năm 2030. Ảnh: Shutterstock.

Mục tiêu của Nga là xuất khẩu 1 triệu tấn gia cầm hàng năm vào năm 2030. Ảnh: Shutterstock.

Kể từ lệnh cấm vận lương thực năm 2014, Nga đã gần như mất toàn bộ nguồn cung từ thị trường Mỹ, EU và một số quốc gia khác, dẫn tới thiếu một số sản phẩm và kết quả là lạm phát lương thực.

Nhưng với các khoản trợ cấp và các dự án chuyên dụng, các công ty nông nghiệp của Nga đã đạt được các mục tiêu an ninh lương thực được tuyên bố trong hầu hết các ngành chăn nuôi, ngoại trừ sản xuất sữa tươi nguyên liệu. Nga thậm chí đang tìm cách xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn.

Thị trường của nông sản Nga

Dmitry Krasnov, Giám đốc Trung tâm AgroExport của Nga, dự báo xuất khẩu nông sản nước này sẽ tăng từ 30,5 tỷ USD vào năm 2020 lên 37 tỷ USD vào năm 2024. Trong số doanh thu xuất khẩu bổ sung 6,5 tỷ USD, có khoảng 2 tỷ USD cho các sản phẩm thực phẩm (chủ yếu là thịt), 1,78 tỷ USD cho dầu và mỡ, và 0,98 tỷ USD cho ngũ cốc. Gần 81% khoản đầu tư dự kiến ​​sẽ được bơm vào các dự án hoàn toàn mới.

Cũng giống như những năm trước, khu vực châu Âu của Nga sẽ chiếm phần lớn nhất trong tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng các khoản đầu tư theo kế hoạch với khoảng 4,14 tỷ USD. Cho đến nay, ngoại trừ ngũ cốc, thực phẩm có nguồn gốc từ Nga chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực SNG.

“Tuy nhiên, tăng trưởng hơn nữa trong xuất khẩu nông sản của Nga sẽ chủ yếu liên quan đến các nước ở châu Á, châu Phi, Ấn Độ và Trung Đông”, Krasnov nói.

Kỷ nguyên ngũ cốc mới

Sự phát triển xuất khẩu dự kiến ​​sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi việc Nga mở rộng sản xuất ngũ cốc. Theo chiến lược phát triển, Chính phủ Nga đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 150 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng nhanh của thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu nhiều ngũ cốc hơn.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng đó, Bộ Nông nghiệp Nga gần đây bỏ ra khoảng 81,5 triệu USD triển khai một chương trình nhằm phát triển các giống ngũ cốc mới có năng suất cao. Chương trình dự kiến ​​phát triển ít nhất 26 giống cây trồng cạnh tranh, trong đó có ít nhất 17 giống ra mắt vào năm 2025.

“Trên thị trường toàn cầu, chúng tôi thấy có 3 quy trình tương đối mới, đó là sự xuất hiện của các giống lúa mì lai, chỉnh sửa bộ gen bằng công nghệ CRISPR và phát triển thương mại hạt giống biến đổi gen GM. Mỗi hiện tượng này, nếu thành công, có thể thay đổi đáng kể tình hình thị trường ngũ cốc và đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với sản xuất hạt giống truyền thống của chúng tôi”, Dmytri Rylko, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp Nga, nói.

Sự phát triển xuất khẩu của Nga dự kiến ​​sẽ chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất ngũ cốc. Ảnh: Misset.

Sự phát triển xuất khẩu của Nga dự kiến ​​sẽ chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất ngũ cốc. Ảnh: Misset.

Mục tiêu chính của chương trình mới là tái thiết ngành công nghiệp ngũ cốc của Nga và thuyết phục nông dân chuyển sang loại ngũ cốc có giá trị hơn. 

Theo giải thích của Elena Turina, Giám đốc bộ phận Phân tích của Liên minh ngũ cốc Nga, việc sản xuất lúa mì có giá trị với hàm lượng gluten cao, hay lúa mì cứng ở Nga hiện nay là không đủ, và đây là vấn đề mà chương trình mới được thiết kế để giải quyết.

Đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm

Trong thập kỷ tới, Nga sẽ cần nhiều ngũ cốc hơn để cung cấp cho số lượng gia cầm đang gia tăng vì nước này đang trên đà thúc đẩy xuất khẩu gia cầm một cách nhanh chóng. 

“Hiện nay, chúng tôi xuất khẩu khoảng 300.000 tấn gia cầm mỗi năm. Vào năm 2025, mục tiêu của chúng tôi là tăng con số này lên 700.000 tấn và đạt 1 triệu tấn vào năm 2030”, Galina Bobyleva, Tổng giám đốc Liên minh các nhà sản xuất gia cầm Nga, cho biết.

Xuất khẩu thịt gà tây của Nga dự kiến ​​sẽ tăng gấp 4 lần trong thập kỷ tới vì quốc gia này có khả năng trở thành nơi sản xuất gà tây lớn thứ hai thế giới và nhu cầu nội địa thấp. AgroExport dự báo: “Với sự gia tăng về sản lượng, cũng như việc mở ra các thị trường mới, xuất khẩu thịt gà tây của Nga có thể tăng lên 35.000 tấn mỗi năm vào năm 2030 (trị giá 75,8 triệu USD)”.

Theo AgroExport, các thị trường triển vọng lớn nhất đối với xuất khẩu gia cầm của Nga, nhất là gà tây, là châu Phi (Nam Phi) cũng như châu Á, Trung Đông.

“Do tỷ lệ dân số Hồi giáo cao ở các khu vực như châu Phi và Trung Đông, rất có thể, sự tăng trưởng xuất khẩu sang các khu vực đó sẽ dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu Halal (Luật Hồi giáo)”, theo Sergey Lakhtyukhov, Tổng giám đốc Hiệp hội Nông dân chăn nuôi gia cầm Nga, dự đoán.

Lakhtyukhov cho rằng tăng trưởng xuất khẩu gia cầm của Nga sẽ không quá lớn trong vài năm tới do những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19, cũng như các yếu tố khác như chi phí hậu cần tăng cao đối với các chuyến giao hàng quốc tế. 

Tuy nhiên, về lâu dài, việc mở rộng nguồn cung xuất khẩu được cho là sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm của Nga phát triển. Việc mở rộng xuất khẩu gia cầm được cho là sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong ngành ngũ cốc của Nga. 

Trong lịch sử, Nga chủ yếu tập trung vào sản xuất lúa mì. Tuy nhiên, theo tất cả các dự báo, sản xuất đậu tương và ngô dự kiến ​​sẽ tăng nhanh ở Nga trong thập kỷ tới.

Cạnh tranh thức ăn chăn nuôi

Một ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi hiệu quả được kỳ vọng sẽ là nền tảng của chiến dịch phát triển xuất khẩu sắp tới của Nga.

Một nguồn tin trong ngành chăn nuôi Nga nhận xét: “Đã qua rồi thời kỳ ngành phát triển mạnh trong điều kiện hoàn hảo, được bảo vệ khỏi hàng nhập khẩu do các lệnh trừng phạt. Ở thị trường nước ngoài, chúng tôi phải cạnh tranh với các công ty mạnh nhất và hiệu quả nhất trên thế giới, và điều này có nghĩa là các công ty của chúng tôi cũng cần phải hoạt động hiệu quả nhất có thể”.

Đồng thời, theo Laktyukhov, ngành chăn nuôi gia cầm Nga đang phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất mà nguyên nhân chủ yếu là do thức ăn chăn nuôi đắt đỏ. 

“Chi phí sản xuất tăng dẫn đến tăng giá thành sản phẩm cuối cùng. Trong bối cảnh lạm phát tăng trưởng như hiện nay, sức mua của người tiêu dùng trong nước đã giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay, người chăn nuôi gia cầm không có lựa chọn tăng giá bán thịt gà", Laktyukhov kết luận. "Xuất khẩu các sản phẩm gia cầm đắt tiền hơn, chẳng hạn như các bộ phận của gà và các sản phẩm gia cầm chế biến, chắc chắn sẽ làm giảm mức độ của những áp lực này".

(Theo IKAR)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.