| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn cá tầm Trung Quốc trà trộn thành cá tầm Việt Nam

Thứ Tư 20/01/2021 , 10:26 (GMT+7)

Theo khảo sát, hiện có nhiều cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Cá tầm Trung Quốc tại chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hiếu.

Cá tầm Trung Quốc tại chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát hiện cá tầm ngoài danh mục được bày bán tại các chợ đầu mối

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, thời gian vừa qua Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan “cầu cứu” về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trong nước cho rằng tình trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam qua đường chính ngạch, tiểu ngạch, không có trong danh mục được cấp phép đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước và ảnh hưởng đến chất lượng của cá tầm Việt Nam.

Chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, kiểm định đang có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước.

Lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt Nam và cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm hiện nay.

Theo quy định của pháp luật, hiện trong danh mục các loài thủy sản sống được phép nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có 5 loài cá tầm gồm: Cá tầm Beluga (huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis) và cá tầm Xibêri (Acipenser baerii).

Đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và từ các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN-PTNT.

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng các thủ thuật trong nhập khẩu, thậm chí là buôn lậu cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục sau đó trà trộn với cá tầm Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng nhập về Việt Nam đã sử dụng mánh khóe lợi dụng bộ hồ sơ được cấp phép để nhập vượt khối lượng cá tầm khá lớn nhằm đưa vào thị trường Việt Nam.

Kết quả kiểm tra thể hiện, giá trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu của doanh nghiệp này không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về lên đến 4.000kg, trị giá 413.947.200 đồng.

Cơ quan chức năng cũng thống kê, cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu qua đường chính ngạch và nhập lậu một cách ồ ạt với số lượng lớn dùng làm thực phẩm, số lượng năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính 2020 là trên 1.000 tấn.

Nhận được đơn thư phản ánh của cộng đồng nuôi cá tầm trong nước, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã vào cuộc cùng với các chuyên gia tìm hiểu và phát hiện tại các khu vực chợ đầu mối lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện số lượng lớn cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục được chào bán tràn lan.

Cụ thể, tại chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội) và Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất hiện nhiều loại cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản.

Các loại cá nhập về không có hình thái đồng nhất, thuộc nhiều dòng lai khác nhau của cá tầm Amur (Acipenser schrenckii), cá tầm Kaluga (Huso dauricus), dòng lai cá tầm Xibêri (Acipenser baerii) không được kê trong danh mục cho phép…

Thậm chí ở một số khu vực còn bày bán cả cá tầm Kaluga từ Trung Quốc, loại “thủy quái” cấm nhập khẩu dưới mọi hình thức nhưng vẫn được bày bán công khai ở Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Khẩn trương rà soát, ngăn chặn cá tầm Trung Quốc trà trộn thành cá tầm Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Khẩn trương rà soát, ngăn chặn cá tầm Trung Quốc trà trộn thành cá tầm Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam có loạt bài phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả làm rõ thông tin báo nêu.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các thông tin phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ... tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống COVID-19.

Vì vậy, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 05, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Bộ NN-PTNT về việc xử lý kiến nghị của Hội nghề cá Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cá tầm.

Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước...

Theo thống kê, sản lượng cá tầm năm 2020 của cả nước đạt trên 3.700 tấn, chiếm hơn 11,5% tổng sản lượng cá tầm toàn thế giới, giá trị kinh tế đạt trên 500 tỷ đồng, tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 - 2020 đạt trung bình 68,75%/năm, không những góp phần tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tính đến nay mô hình nuôi cá tầm đã có mặt tại hơn 25 tỉnh thành trên cả nước với sự đóng góp của hơn 300 công ty, hợp tác xã, hộ nuôi trồng... Tuy nhiên, những thành tựu, tiềm năng phát triển của cá tầm Việt Nam đang bị những lỗ hổng trong việc nhập khẩu, nhập lậu cá tầm Trung Quốc đe dọa và đứng trước nguy cơ bị bóp chết.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67

Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến dâng hương tưởng niệm Người tại Nhà 67.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.