| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su - Một năm tăng trưởng ấn tượng

Thứ Hai 03/01/2022 , 07:46 (GMT+7)

Bất chấp những khó khăn do Covid-19, 2021 vẫn là một năm thành công của ngành cao su, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Xuất khẩu cao su trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Ảnh: VRG.

Xuất khẩu cao su trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Ảnh: VRG.

Quay lại mốc 3 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của nước ta đã đạt 1,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và 40,8% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Như vậy, có thể khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn lớn do làn sóng Covid-19 thứ 4, nhưng năm 2021 vẫn là một năm thành công của ngành cao su.

Không những thế, xuất khẩu cao su trong năm 2021 còn ghi nhận một cột mốc rất quan trọng là quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Cụ thể, năm 2011, do giá cao su xuất khẩu tăng cao kỷ lục, xuất khẩu cao su đã lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt hơn 3,2 tỷ USD.

Những năm tiếp sau đó, do giá cao su quay đầu giảm mạnh, xuất khẩu cao su đã mất mốc 3 tỷ USD, thậm chí có những năm xuống dưới 2 tỷ USD. Nhưng năm 2021, cũng nhờ giá cao su xuất khẩu tăng mạnh trở lại, mà như đã nói ở trên, trong 11 tháng trị giá xuất khẩu cao su đã đạt 2,85 tỷ USD. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 12/2021, xuất khẩu cao su đạt 2020 triệu. Như vậy, tính đến giữa tháng 12, xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã đạt 3,068 tỷ USD, chính thức quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm.

Tăng trưởng ấn tượng ở nhiều thị trường

Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm 2021 còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Trong năm 2021, xuất khẩu cao su sang thị trường này vẫn ổn định. Thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho hay, 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 1,71%% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin từ Hải quan Trung Quốc, cho thấy, thị phần của cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng đáng kể trong năm 2021.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 10,14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Ngoài việc xuất khẩu ổn định sang thị trường số 1 là Trung Quốc, xuất khẩu cao su trong năm 2021 tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ …

Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 96,4% về lượng và 153,6% về trị giá; sang Hàn Quốc tăng 57,8% về lượng và 95,2% về trị giá; sang Mỹ tăng 80,5% về lượng và 130% về trị giá; sang Đức tăng 79% về lượng và 129,7% về trị giá …

Nhìn chung, trong 10 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc chỉ tăng nhẹ về lượng, xuất khẩu sang 9 thị trường khác đều tăng rất mạnh về lượng, trong đó có những thị trường tăng tới 3 con số như Sri Lanka và Nga. Đây là minh chứng rõ rệt cho thấy cao su Việt Nam đang thâm nhập ngày càng mạnh hơn vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

VRG hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 16 ngày. Ảnh: VRG.

VRG hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 16 ngày. Ảnh: VRG.

Nỗ lực giữ vững sản lượng của VRG

Trong thành công của xuất khẩu cao su năm 2021, ngoài yếu tố giá cả, đầu ra thuận lợi, còn có một nguyên nhân rất quan trọng là toàn ngành, nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên, đã nỗ lực giữ vững được sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng kéo dài và thời tiết bất lợi, thiên tai ở nhiều địa bàn.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại Đông Nam bộ - khu vực trọng điểm cả về diện tích, năng suất và sản lượng của Tập đoàn, để duy trì sản xuất và tiêu thụ cao su, VRG đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

Trước hết là chủ động ứng phó, thích nghi với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đề ra các giải pháp kỹ thuật (chế độ cạo, biện pháp kích thích, thu hoạch mủ…), tổ chức quản lý sản xuất với phương án phù hợp, linh hoạt nhằm hoàn thành kế hoạch sản lượng với khả năng cao nhất có thể, đảm bảo mục tiêu an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Quan tâm đặc biệt đến người lao động trong doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm ngừa vacxin, thực hiện 5K để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ lực lượng lao động tại chổ. Thường xuyên theo dõi, cập nhật báo cáo tinh hình biến động lao động để VRG có chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh (nếu có).

Trong hoạt động chế biến, các cơ xưởng, nhà máy thuộc vùng nguy cơ và nguy cơ cao (khu vực Đông Nam bộ), tuân thủ thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “3 tại chỗ”; lấy an toàn, sức khỏe người lao động là tiêu chí hàng đầu.

Nhờ những giải pháp thiết thực và kịp thời trong phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, hoặc khắc phục những bất lợi do thời tiết, thiên tai, đã có 16 công ty sản xuất cao su của VRG hoàn thành sản lượng kế hoạch năm 2021 trước 30 ngày.

Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh là Đông Nam bộ, có tới 5 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Cao su Phú Thịnh, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long.

Khu vực miền núi phía Bắc có 3 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày gồm Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II. Ở miền Trung, có 2 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị.

Cũng hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày, có 4 đơn vị ở Tây Nguyên (Công ty TNHH MTV Ea H’leo, Công ty TNHH mTV Cao su Chư Prông, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang) và 2 đơn vị ở Campuchia (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên – Kampong Thom, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie).

Do hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm, nên ước tính đến hết năm 2021, tổng sản lượng mủ cao su của 16 đơn vị nói trên sẽ vượt kế hoạch tới 14 nghìn tấn.

Nhờ có nhiều đơn vị thành viên hoàn thành sớm kế hoạch năm, đến giữa tháng 12/2021, toàn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã khai thác được 377.722,6 tấn mủ, đạt 100% kế hoạch sản lượng, về trước kế hoạch 16 ngày. Ước tính đến hết năm 2021, sản lượng mủ do VRG khai thác vượt 5,7% kế hoạch sản lượng. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của VRG trong một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm