Lễ kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Ngành cao su Việt Nam vừa được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức trọng thể sáng 28/10.
Cách đây 92 năm, vào đêm 28/10/1929, tại cánh rừng sau làng 3 đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước), chi bộ Đông Dương Cộng sản được thành lập.
Sau một thời gian chuẩn bị về tổ chức, cải tổ nghiệp đoàn, xác định phương pháp đấu tranh, công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng cách mạng …, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, ngày 3/2/1930, cùng thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 5.000 công nhân đồn điền Cao su Phú Riềng thực hiện cuộc tổng bãi công.
Cuộc tổng bãi công của công nhân đồn điền Cao su Phú Riềng đấu tranh anh dũng trong 8 ngày và đã giành thắng lợi to lớn. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của công nhân, làm rung chuyển cả hệ thống cao su Đông Dương. Từ đó, “Phú Riềng đỏ” không chỉ là nỗi khiếp sợ của giới chủ đồn điền, là nỗi ám ảnh của thực dân Pháp, mà còn là niềm cổ vũ, tự hào vô song của đội ngũ công nhân cao su.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 92 năm qua, ngành Cao su Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngành Cao su Việt Nam mà cụ thể là VRG với vai trò chủ đạo, định hướng đã có những bước chuyển mình phù hợp với thời đại, với dòng chảy chung của đất nước.
Hiện nay, toàn Tập đoàn có trên 400.000 ha cao su trải dài từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc và sang đến nước bạn Lào, Campuchia.
Bên cạnh lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su, Tập đoàn gặt hái được nhiều thành tựu được các cấp Bộ, ngành đánh giá cao trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ, đầu tư hạ tầng trên đất cao su, công nghiệp cao su và nông nghiệp ứng dụng cao.
Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Tập đoàn còn có những đóng góp to lớn trong công tác an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, môi trường… Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 80.000 người lao động trong toàn Tập đoàn. Đến nay, trên 90% hộ công nhân cao su thuộc diện khá giả.
Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người lao động cũng luôn được ngành cao su quan tâm, chăm lo, thông qua việc thiết lập các thiết chế văn hóa cơ sở và thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục thể thao ở tất cả các cấp.
Hòa chung với xu thế phát triển của thế giới, Tập đoàn xác định phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường.
Đến tháng 8/2021, toàn Tập đoàn đã có trên 54.500 ha cao su của 12 công ty thành viên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC - CoC.
Không chỉ khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn kinh tế lớn của cả nước, Tập đoàn còn khẳng định thương hiệu trên thế giới. Với sự đóng góp chủ đạo của Tập đoàn, ngành Cao su Việt Nam đạt được những thứ hạng cao trên thế giới như năng suất vườn cây bình quân đứng đầu khu vực Châu Á, sản lượng khai thác và xuất khẩu liên tục nhiều năm liền đứng thứ 3 trên thế giới.
Cũng trong buổi Lễ nói trên, nhiều tập thể, cá nhân của VRG có thành tích xuất sắc trong thời gian vừa qua, đã được trao tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành liên quan ...