| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi dịch chuyển: [Bài 1] Chăn nuôi nông hộ loay hoay bám trụ

Thứ Hai 25/09/2023 , 08:42 (GMT+7)

Sau những bài học và hệ lụy từ chăn nuôi nông hộ thiếu định hướng, bà con nông dân Đồng bằng sông Hồng vẫn đang loay hoay trong việc tìm cách bám trụ với nghề.

LTS: Áp lực cạnh tranh từ quá trình hội nhập cộng dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp buộc ngành chăn nuôi Việt Nam phải có sự dịch chuyển mang tính cách mạng và sau 17 năm gia nhập WTO, những thế mạnh, hạn chế của ngành chăn nuôi đến nay đã cơ bản được bộc lộ.

Canh cánh nỗi lo mất nghề

Huyện Bình Lục (Hà Nam) được biết đến không chỉ là vùng chăn nuôi trọng điểm ở Đồng bằng sông Hồng mà còn là chợ lợn lớn bậc nhất cả nước. Thời hoàng kim, người người, nhà nhà nơi đây đua nhau nuôi lợn.

Việc trúng giá một số lứa lợn đã giúp người dân Bình Lục phất lên nhanh chóng. Những tòa nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi nối tiếp nhau mọc lên san sát, ôtô to, ôtô nhỏ lần lượt được các hộ tậu về. Nhiều người đã bắt đầu tin rằng, chẳng mấy chốc ở Bình Lục các triệu phú, tỷ phú chăn nuôi lợn sẽ mọc lên như nấm.

Ông Hoàng Trung Hải, thôn 5, xã Ngọc Lũ lo lắng vì không biết có thể gắng gượng bám trụ với nghề chăn nuôi lợn được bao lâu nữa? Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Hoàng Trung Hải, thôn 5, xã Ngọc Lũ lo lắng vì không biết có thể gắng gượng bám trụ với nghề chăn nuôi lợn được bao lâu nữa? Ảnh: Hoàng Anh.

Nhưng thắng lợi chưa được bao lâu thì những “tử huyệt” của chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ theo phong trào bắt đầu hiện rõ. Nguồn cung vượt cầu, cộng với việc các chuồng nuôi được xây dựng tràn lan, xen lẫn khu dân cư, công tác đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh không được quan tâm đã khiến nghề chăn nuôi của người dân nhanh chóng gục ngã khi những cơn bão giá, dịch bệnh tràn qua.

Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT Bình Lục cho biết, trước đây vào thời cao điểm tổng đàn lợn trên địa bàn huyện khoảng hơn 200.000 con/lứa, giờ giảm còn một nửa, chủ yếu tập trung ở những trại chăn nuôi kiểu “hàng xáo” có tiềm lực tài chính hoặc các chủ đại lý thức ăn chăn nuôi.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm, ông Trọng cho hay, chăn nuôi ở Bình Lục lao dốc không phanh từ năm 2017 khi cơn bão giá lợn tràn qua. Có thời điểm giá lợn hơi xuống còn 15.000 - 17.000 đồng/kg, thậm chí xuống 12.000 - 13.000 đồng/kg. Nhiều gia đình đang chắc mẩm sẽ rủng rỉnh tiền bỗng chốc trắng tay, lâm cảnh nợ nần.

Năm 2018, 2019 lần lượt dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi quét qua đã vét nốt những hộ chăn nuôi còn cố sức gượng gạo. Khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống, các hộ lò dò khôi phục đàn lại gặp cơn bão giá thức ăn chăn nuôi gần đây tăng cao kỷ lục. Những đòn đánh chí mạng, liến tiếp khiến phần lớn các hộ chăn nuôi không thể gượng dậy.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Bình Lục đã phải bỏ chuồng, chuyển hướng sang nuôi vịt cầm chừng. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Bình Lục đã phải bỏ chuồng, chuyển hướng sang nuôi vịt cầm chừng. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ bộc bạch, có thời điểm số lợn trong xã lên tới 100.000 con/lứa, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 15.000 - 18.000 con/lứa, chủ yếu là lợn nuôi theo kiểu “lướt sóng”. Chuồng trại của người dân đa số bỏ không, người nuôi lợn số vỡ nợ, số bỏ làng đi làm công nhân, xuất khẩu lao động. Một số ít hộ phá dỡ chuồng chuyển sang trồng cây ăn quả. Có hộ cho các cá nhân, đơn vị thuê lại chuồng để nuôi lướt sóng hoặc tận dụng nuôi bò, vịt, gà…

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Trung Hải, thôn 5, xã Ngọc Lũ, một trong những hộ vẫn gắng gượng để bám trụ với nghề. Ông Hải buồn bã chia sẻ, chuồng nuôi của gia đình mặc dù không lớn nhưng trước đây mỗi lứa đều nuôi đủ 100 con, cộng thêm việc làm đại lý cám cho người dân trong vùng nên mọi thứ cũng xuôi chèo mát mái được thời gian.

Sau khi bão giá, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, toàn bộ đàn lợn phải tiêu hủy hết, bao nhiêu vốn liếng cũng theo đó mà bay hơi. Việc chăn nuôi của gia đình buộc phải dừng hẳn, mãi tới năm vừa rồi mới dám bắt đầu nuôi lướt sóng trở lại bằng số vốn là tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh của nhà nước trước đó.  

Ông Hải tâm tư, bây giờ cho tiền để mua lợn nhỏ về nuôi cũng không nhà nào dám mạo hiểm, nhưng nuôi lướt sóng rủi ro không kém cạnh. Có khi vừa bắt đàn lợn với giá cao, nuôi khoảng 1 tháng giá bán lại xuống thấp, nuôi tiếp thì quá lứa, tốn kém chi phí mà nếu bán đi cầm chắc thua lỗ ngay mấy trăm triệu đồng.

“Hai vợ chồng đã có lúc bảo nhau hay thôi nghỉ chăn nuôi làm việc khác, một phần vì chuồng nuôi ngay cạnh nhà, nuôi ít không bõ mà nuôi nhiều mùi hôi thối ảnh hưởng tới sức khỏe cả nhà, chưa nói đến rủi ro dịch bệnh rình rập. Nhưng rồi bàn qua tính lại thấy đã theo nghề nhiều năm giờ có chuyển nghề cũng chưa biết làm gì, thôi thì cứ cố gắng, được đến đâu thì đến. Tuy nhiên, nếu thời gian tới tình hình không được cải thiện, chẳng phải gia đình tôi mà tất cả các hộ chăn nuôi lợn trong xã chắc cũng đã sẵn sàng chia tay nghề bất cứ lúc nào”, ông Hải buồn bã.

Ông Lưu Xuân Liệu, thôn Trại Láng, xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, nếu tình hình giá vật tư đầu vào và giá bán gà không được kiểm soát ổn định, nguy cơ người nuôi bỏ chuồng rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lưu Xuân Liệu, thôn Trại Láng, xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, nếu tình hình giá vật tư đầu vào và giá bán gà không được kiểm soát ổn định, nguy cơ người nuôi bỏ chuồng rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Bỏ lợn nuôi gà cũng chưa thoát khỏi điêu đứng

Năm 2019-2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi khiến Hà Nội phải tiêu hủy khoảng 30% tổng đàn lợn. Không ít hộ chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao, xoay trở đủ đường để tìm cách gỡ gạc. Trong đó, nhiều hộ chuyển hướng từ nuôi lợn sang chăn nuôi gà với hy vọng út rủi ro hơn. Nhưng nay khi được hỏi sự chuyển hướng đó có thực sự hiệu quả, hầu hết các hộ đều có chung câu trả lời là "chưa".

Ông Lưu Xuân Liệu, thôn Trại Láng, xã Cổ Đông (Sơn Tây) nuôi 5.000 gà lông trắng chia sẻ, xã Cổ Đông trước đây hầu như nhà nào cũng nuôi lợn. Tuy nhiên, trải qua các đợt dịch bệnh, những hộ còn chăn nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có thể tiếp tục mưu sinh được bằng nghề, nhiều hộ đã chuyển hướng sang nuôi gà nhưng kết quả cũng không mấy khả quan.

Theo ông Liệu, hầu hết những hộ còn chăn nuôi đều là những người nuôi lâu năm, có đủ kinh nghiệm và sự chai lỳ trước những thay đổi đột ngột của thị trường. Quan trọng hơn, họ là những người đã tranh thủ tích cóp được chút ít vốn liếng thời điểm “trúng quả” nên giờ vẫn còn nguồn lực để đầu tư. Đối tượng có thể nuôi thứ hai là các đại lý cám có ưu đãi từ nhà máy cung cấp thức ăn.

Việc phát triển liên doanh liên kết chăn nuôi đang được xem là hướng đi khả quan trong bối cảnh hiện tại. Ảnh: Trung Quân.

Việc phát triển liên doanh liên kết chăn nuôi đang được xem là hướng đi khả quan trong bối cảnh hiện tại. Ảnh: Trung Quân.

Ông Liệu phân tích, để có thể đưa trại gà khép kín quy mô khoảng 10.000 con trở lên vào hoạt động, chi phí đầu tư mất hơn 1 tỷ đồng. Trong khi giá bán gà lên xuống thất thường, việc gà bán xong không đủ bù đắp chi phí đầu tư xảy ra thường xuyên như cơm bữa.

Đơn cử như gia đình ông Liệu, nuôi gà lông trắng 40-45 ngày là có thể xuất bán. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của loại gà này lại rất nhạy cảm, nếu thức ăn không đảm bảo rất dễ mắc bệnh đường ruột dẫn tới mất cả lứa gà hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nay tuy có giảm nhưng vẫn còn neo cao, thống kê từ năm 2020 đến nay, mỗi bao cám tăng tới 150.000 đồng.

“Suốt cả năm trước và nửa đầu năm nay người nuôi gà lông trắng gần như phải bù lỗ vì giá bán liên tục ở mức thấp 23.000-28.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 31.000-32.000 đồng/kg. Có gia đình chỉ trong vòng 45 ngày thua lỗ ngay 200-300 triệu đồng. Thử hỏi như vậy, người chăn nuôi làm sao có thể đứng vững”, ông Liệu than thở.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ) chăn nuôi gà lông màu cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ) chăn nuôi gà lông màu cũng đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ) hiện đang nuôi khoảng 2.000 con gà lông màu chia sẻ, ai cũng đều nhìn thấy chăn nuôi khó khăn chồng chất, nhưng nó là nghề mưu sinh của nhiều gia đình, bao nhiêu vốn liếng đổ vào đầu tư trang trại nên khó khăn mấy cũng cố gắng gượng bám trụ.

“Nhà tớ xây dựng chuồng hở quy mô 2.000 con, chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng, chi phí thức ăn vào khoảng 2,6 triệu đồng/ngày. Khổ nổi là lúc gà giá 100.000 đồng/kg thì không có để bán, khi xuống tới 67.000-68.000 đồng/kg vẫn có thể cười, nhưng thời điểm giá xuống 60.000-62.000 đồng/kg, như ngồi trên đống lửa vì giá thành 1kg gà tối thiểu phải 65.000 đồng. Vậy là bao nhiêu công sức bỏ ra thu lại được là một khoản lỗ không nhỏ”, anh Tuấn chua chát.

Trong bối cảnh chăn nuôi bấp bênh, nhiều hộ đã tìm đến phương thức liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để giảm áp lực. Đây được xem là hướng đi khả quan trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, những hình thức này vẫn có những điểm khiến nhiều hộ băn khoăn dẫn tới e dè.

Cụ thể, với hình thức liên kết nuôi gia công cho các doanh nghiệp, người nuôi phải có hệ thống chuồng trại phù hợp với những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đưa ra. Toàn bộ chi phí đầu vào (trừ tiền điện) doanh nghiệp sẽ đầu tư và trả cho chủ trại mức tiền công khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để được trả khoản thù lao này, phía các công ty cũng đưa ra những yêu cầu, định mức rất ngặt nghèo với người nuôi, nếu hộ nào chăm lo tốt còn có lãi, sơ sẩy vẫn phải bù lỗ như thường.  

Riêng với hình thức chăn theo chuỗi, doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, vacxin,... nhưng người nuôi phải trả tiền. Bù lại, Công ty ký cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra với giá đảm bảo người nuôi sẽ có lãi (lãi có thể ít hoặc nhiều tùy thời điểm). Việc này sẽ giúp người nuôi an tâm ở khâu tiêu thụ, tuy nhiên chỉ cần phía doanh nghiệp điều chỉnh nâng giá bán giống hoặc vật tư đầu vào thì tính toán chi ly người nuôi bản chất vẫn chỉ là "lấy công làm lãi".

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết

HÀ TĨNH Giá rau vụ Tết tuy không nhỉnh hơn nhiều so với bình thường nhưng lượng tiêu thụ thường cao gấp 4 - 5 lần.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.