Siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm hạ giá thịt lợn
Mở đầu Diễn đàn Kết nối nông sản 970 vào sáng 30/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Giá thịt lợn ảnh hưởng vào rổ hàng hóa CPI rất lớn. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để đảm bảo nguồn cung chăn nuôi, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô”.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, vừa qua, do nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng nên giá xuống mức 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán thịt, các chợ và siêu thị khu vực nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao (110.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg). Giá tăng cao do khâu lưu thông phân phối.
Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn, giá thịt lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng).
Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, có nơi 52.000 - 53.000 đồng/kg tùy từng vùng. Giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng trở lại với 27.000 - 30.000 đồng/kg.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cơ bản các loại dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt. “Dịch lở mồm long móng giảm mạnh, từ sau khi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo nhập vacxin kháng nguyên cao về nước từ 2019”, lãnh đạo Cục Thú y nói.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra những ổ dịch bệnh nguy hiểm (nhất là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục), làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Cục Thú y cho biết thêm những khởi sắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thịt gà chế biến lúc trước mới xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước châu Âu.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số siêu thị Co.op Mart, BigC và các cửa hàng của CP, Vissan, Greenfood,... đã giảm giá niêm yết các sản phẩm thịt heo, lý do là thành phố thực hiện chương trình bình ổn giá và yêu cầu giảm từ 8-23% so với giá bán trước đó. Nếu tính bình quân so với cuối tháng 9 vừa qua, giá thịt heo giảm tới 30%.
Nhiều thị trường chấp nhận thịt "made in Viet Nam"
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi hiện có 3 xu hướng chính là: doanh nghiệp FDI, trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Phát triển chăn nuôi theo hai hướng đầu tiên có nhiều lợi ích như đảm bảo an toàn sinh học, chuỗi liên kết. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi chưa thể bỏ qua nhóm nông hộ, bởi đây là phương thức giúp bà con có thu nhập, tạo công ăn việc làm.
Ủng hộ việc thúc đẩy sản xuất nông hộ, nhưng ông Công lo ngại về trình độ sản xuất của bà con nông dân. Hai dẫn chứng ông đưa ra, là báo cáo tài chính năm vừa qua của Công ty C.P Việt Nam đạt lợi nhuận 1 tỷ USD; và tỷ lệ sinh lợn thương phẩm từ lợn nái của khối doanh nghiệp là 1:26, nhưng của phía nông hộ chỉ là 1:12.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển nông sản cho rằng "thành hay bại là ở nhà cung cấp", song thành phần này chưa có trong các hội, hiệp hội chuyên ngành. Ông Toản kiến nghị các hội nghề nghiệp nên đưa nhà cung cấp vào và có quy chế chặt chẽ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520, Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện 5 đề án từ giống, thức ăn nhăn nuôi, khoa học công nghệ… để có không gian và nguồn lực cho phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đảm bảo cung cấp trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng”. Chúng ta phải vừa nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái trong nước, vừa phát triển những dòng đặc hữu, vừa cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm.
Bên cạnh đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65-70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
"Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp. Chúng ta cũng chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền; công nghệ chế biến còn hạn chế", Thứ trưởng nói.
Theo ông, muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững, cần phải giải quyết bài toán môi trường. Chất thải rắn và chất thải lỏng từ chăn nuôi rất lớn, do đó, cần ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết.
Khoa học công nghệ được khẳng định là quốc sách hàng đầu. Vậy khoa học công nghệ cần phải phải thể hiện được vai trò để tạo động lực.
“Tôi tin nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những năm gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam và đã đi vào hoạt động. Ví dụ, Công ty C.P đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây, đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định, nếu kết quả tốt, chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn.
Thị trường Hàn Quốc cũng đã nhập thịt gà của chúng ta. 2 nhà máy của Masan ở Hà Nam và Long An (tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng cũng đang hoạt động được khoảng 70% công suất). Do vậy, đánh giá Việt Nam là bếp ăn của thế giới là có tính khả thi và chúng ta sẽ hướng tới xuất thịt đi nhiều thị trường.
Chế biến khoảng 10.000 món ăn từ thịt
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho biết, hệ thống tiêu thụ của bà đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát. Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam, Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố.
Hiện Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc, về các mặt hàng thịt, rau củ quả tươi. Bà cũng lưu ý về mặt hàng thịt đông - đây là sản phẩm đang được Nutri Mart bán chạy bởi nhiều ưu điểm như bảo quản lên tới 12 tháng.
Theo bà Hằng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt.
"Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc", bà Hằng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ, chẳng hạn túi đựng thực phẩm. Nếu đặt thịt trong những túi này, có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.
Lãnh đạo Nutri Mart tiết lộ, công ty đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan. Bà kêu gọi, người sản xuất chăn nuôi trên cả nước hãy tích cực kết nối với Nutri Mart, với điều kiện đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ, giúp nâng cao đẳng cấp, thương hiệu của chăn nuôi nước nhà.